Uống nước giải khát, lo ngộ độc chì

ANTĐ - Sau khi thông tin Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế chỉ đạo Chi cục VSATTP thành phố Hà Nội  lấy 5 mẫu nước giải khát C2, 5 mẫu nước Rồng đỏ trên thị trường để kiểm nghiệm được đăng tải trên báo chí, tòa soạn ANTĐ đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc bày tỏ sự lo lắng về các sản phẩm này.

Người tiêu dùng chịu trận

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, chị Đào Thu Hoài ở ngõ 279 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, do cậu con trai 8 tuổi của chị thích uống nước giải khát đóng chai, trong đó có nước Rồng đỏ nên chị thường mua cả thùng về uống dần.

Do vậy, khi đọc được thông tin  nước uống Rồng đỏ bị nghi có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, chị Hoài hết sức lo lắng. “Tôi được biết, trẻ em bị nhiễm độc chì có thể bị tổn hại hệ thống thần kinh trung ương, làm giảm thính giác, giảm khả năng học tập, chậm quá trình phát triển, thậm chí tử vong. Tôi tưởng sản phẩm này được  bán trên thị trường lâu như vậy rồi tức là đã được cơ quan chức năng kiểm định về chất lượng, nào ngờ... Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy loại nước trên gây nguy hại cho sức khỏe thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng chúng tôi?”, chị Hoài đặt câu hỏi.

Với tâm trạng tương tự, anh Lê Ngọc Hải ở đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, vài năm nay, hầu như ngày nào anh cũng uống nước giải khát C2, nhất là vào mùa hè. “Hết thực phẩm lại đến đồ uống có vấn đề, đúng là không biết đâu mà lần”, anh Hải bức xúc.

Khảo sát các điểm bán đồ giải khát trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi thấy nước giải khát C2 và Rồng đỏ vẫn được bày bán nhiều song lượng tiêu thụ có giảm. Bà Nguyễn Thị Hậu - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho rằng, ưu điểm của loại nước này vừa rẻ vừa dễ uống, lại được quảng cáo mạnh nên giới trẻ rất ưa chuộng. Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ thông tin sớm ngày nào hay ngày đó để người kinh doanh quyết định có nên nhập hàng nữa hay không”.

Nguy cơ suy thận, sảy thai, vô sinh

Bác sỹ Phạm Thanh Hải - Bệnh viện Việt Tiệp cho biết, tình trạng nhiễm độc chì có thể xảy ra sau khi chì tích tụ trong cơ thể một khoảng thời gian nhất định. Khi xâm nhập cơ thể qua đường ăn, uống, hô hấp, chì sẽ khiến quá trình đào thải chậm lại, dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ… Do trẻ có khả năng hấp thụ lượng chì hơn người lớn từ 4-5 lần nên khả năng bị nhiễm độc chì cao hơn.

Trẻ em khi bị nhiễm độc chì có thể bị tổn hại hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống thần kinh ngoại vi. Với phụ nữ mang thai, việc tiêu thụ nhiều đồ uống nhiễm độc chì trong thời gian dài có thể làm chậm sự tăng trưởng của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non. Còn ở người trưởng thành, nhiễm độc chì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tăng huyết áp, giảm chức năng thận, thậm chí gây vô sinh.

Việc sử dụng thức uống nhiễm độc chì liên tục trong thời gian dài không khác gì tự sát từ từ. Ngộ độc chì gồm ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Các dấu hiệu bị ngộ độc chì bao gồm: đau bụng, táo bón, khó ngủ, đau đầu, cáu gắt, mệt mỏi. Người bị nhiễm độc chì với liều lượng cao có thể có các triệu chứng như đau bụng và chuột rút, nôn, co giật, hôn mê.

Có thể nói việc sử dụng nước giải khát có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép gây tác hại không nhỏ đến sức khỏe người dùng. Do vậy, trong khi chờ cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng về một số loại nước giải khát đang được bày bán trên thị trường, người tiêu dùng thận trọng vẫn hơn.