Ước tính và thực tế
(ANTĐ) - Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 6 vào tháng 10 năm ngoái đã ghi nhận, Chính phủ đưa ra ước tính mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể của năm 2009 là 1,9 tỷ USD.
Trong báo cáo bổ sung tại kỳ họp lần thứ 7 này, Chính phủ đã điều chỉnh con số thâm hụt cán cân thanh toán lên tới 8,8 tỷ USD. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao việc Chính phủ thẳng thắn công bố con số sai lệch giữa ước tính và thực tế.
Việc làm này chính là để điều hành kinh tế vĩ mô đi đúng hướng, tránh những thiệt hại lớn có thể xảy ra hoặc các giải pháp điều hành mang tính “chữa cháy”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận định: “Đây là mức thâm hụt cao nhất trong nhiều năm gần đây, gây sức ép lên cung cầu ngoại tệ và tỷ giá”. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên của Ủy ban Kinh tế cũng chờ đợi phiên thảo luận tại hội trường để phát biểu về vấn đề này.
Theo ông, mức chênh lệch như vậy là quá lớn. Ngay từ cuối năm ngoái, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã dự báo về vấn đề thâm hụt thực tế lớn hơn so với dự báo của Chính phủ nhiều lần. Mới đây, Ủy ban Kinh tế đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thống kê tính toán, báo cáo lại. Rõ ràng các cơ quan đầu não này cần lý giải tại sao lại có sự sai biệt quá lớn giữa ước tính và thực tế.
Bởi không thể xem đây chỉ là chuyện cảnh báo “nội bộ” như trước đây mà cần cấp bách làm rõ. Cùng với con số thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể là khoản “lỗi và bỏ sót” mà theo báo cáo của Chính phủ là âm 12,84 tỷ USD trong năm 2009. Nên nhớ khoản “lỗi và bỏ sót” thông thường là con số nhỏ, mang tính “kỹ thuật” kế toán để chỉ những sai số không đáng kể như chênh lệch tỷ giá.
Khoản mục này nhằm mục đích cân bằng cán cân thanh toán tổng thể. Ngay trước khi có những con số chính thức này, một chuyên gia kinh tế cao cấp cũng đã dự kiến khoản mục “lỗi và sai sót” rất lớn, phản ánh tình trạng ngoại tệ vào Việt Nam nhưng “bốc hơi” khỏi các tài khoản ngân hàng thương mại. Ông này cho rằng, nếu không có tình trạng “đô la hóa” như vậy thì tình trạng khan hiếm ngoại tệ sẽ bớt gay gắt hơn nhiều và Việt Nam chỉ là nền kinh tế thiều thanh khoản ngoại tệ chứ không thiếu ngoại tệ.
Nếu tình hình này còn kéo dài thì tình trạng mất cân đối vĩ mô là nghiêm trọng hơn dự tính và có thể còn tiếp tục phức tạp, nếu không có nhận thức đúng và có giải pháp kiên quyết, hiệu quả. Thực tế là đầu năm 2010, sau khi có những con số chính xác hơn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách để ổn định tỷ giá, cân bằng cán cân thanh toán, hạn chế nhập siêu, hạn chế tình trạng găm giữ đô la của doanh nghiệp.
Ông Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận xét rằng, mức thâm hụt cán cân thanh toán tới 8,8 tỷ USD cho thấy các cơ quan quản lý, điều hành và thống kê không kiểm soát tốt việc dịch chuyển dòng vốn ra-vào nền kinh tế. Mức thâm hụt này thậm chí có thể dẫn đến sự hiểu lầm là năm 2009 nền kinh tế bị “đô la hóa”, việc mất lòng tin vào đồng nội tệ đã dẫn đến luồng ngoại tệ vào Việt Nam không lưu thông ngoài thị trường mà lại tích lũy trữ, găm giữ. Trong khi ấy, vốn chảy ra nước ngoài qua chuyển giá, buôn lậu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, công việc mà Chính phủ cần làm hiện nay là cải cách mạnh mẽ hệ thống thống kê, dự báo vĩ mô sao cho phù hợp với cách tính của thế giới vì mức độ hội nhập sâu, độ mở của nền kinh tế cao thì nước ta không thể chọn một cách tính riêng. Minh bạch, công khai các con số sẽ tăng giá trị điều hành, dự báo, tránh hậu quả xấu.
Đan Thanh