Ùn tắc từ ý thức

ANTD.VN - Không chỉ CSGT, nhiều lực lượng như cảnh sát cơ động, công an phường sở tại, lực lượng tự quản của hầu hết các phường cũng được tăng cường trước và sau giờ cao điểm để điều tiết các phương tiện giao thông với mật độ dày đặc chưa từng thấy trước Tết Nguyên đán. 

Tuy vậy, bài toán chống ùn tắc giao thông vẫn nan giải, chưa thể giải quyết triệt để tận gốc.Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội cần có lộ trình giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông căn cơ, bài bản với những gợi ý như hạn chế phương tiện cá nhân theo đúng quy định pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao với tinh thần giảm mật độ phương tiện trên mặt đường.

Các chuyên gia giao thông cũng đóng góp ý kiến, đề xuất, hiến kế như hạn chế xây dựng nhà cao tầng, chung cư trong nội đô; đồng thời chuyển các trường đại học, bênh viện ra ngoại thành để giãn mật độ dân cư. Thành phố Hà Nội đã treo giải thưởng trị giá 200.000 USD cho ý tưởng, sáng kiến giải quyết nạn ùn tắc giao thông  đang ngày càng trở nên căng thẳng, bức xúc hơn bao giờ hết. 

Đương nhiên, việc giảm tải, hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông không thể trong một sớm, một chiều và cũng không chỉ là vấn đề đau đầu của riêng Hà Nội, mà còn là bài toán chung của TP.HCM cũng như các đô thị đông dân ở châu Á và trên thế giới. Ở nhiều thủ đô, thành phố lớn đã áp dụng các giải pháp như các phương tiện giao thông đi lại vào ngày chẵn, ngày lẻ, thậm chí cấm ô tô con đi vào khu vực trung tâm hoặc hạn chế xe taxi vào giờ cao điểm. 

Trong khi đó, ở các quốc gia này, hệ thống vận tải công cộng như tàu điện ngầm, tàu trên cao, xe buýt đã đáp ứng tới 50% nhu cầu đi lại của người dân từ hàng chục năm nay. Song, một yếu tố cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định hơn cả cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, phương tiện đi lại thuận tiện, đó chính là ý thức của mọi người dân tham gia giao thông. Ý thức tự giác đó được dạy ngay từ khi trẻ cắp sách đến trường và được rèn giũa, nâng cao cho đến khi rời trường bước ra ngoài xã hội. Đặc biệt, ý thức tôn trọng, tuân thủ luật giao thông dường như đã ngấm vào máu mỗi người dân.

Chế tài xử phạt nặng không chừa một ai nếu vi phạm pháp luật chỉ là một khía cạnh. Điều cốt lõi là mỗi người khi ra đường đều thượng tôn pháp luật, tự trọng và tôn trọng người khác. Ở những quốc gia tiên tiến, không hiếm chuyện ùn tắc, kẹt xe “chôn chân” hàng giờ giữa dòng xe cộ chen chúc, đông nghẹt, nhưng hầu như không diễn ra cảnh lấn làn, tranh giành từng mét, vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, đi ngược chiều.

Tiếc thay ở nước ta, thực trạng đó lại là chuyện thường ngày đối với một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông, nhất là vào dịp Tết. Đáng báo động hơn, nếp xấu này lại lây lan, truyền nhiễm theo tâm lý “bầy đàn”. Văn hóa giao thông tối thiểu đến mức không hề biết nhường đường, nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, hễ thấy không có bóng cảnh sát giao thông là phóng nhanh, vượt ẩu bất chấp tất cả.

Chừng nào ý thức của người tham gia giao thông không được nâng cấp, cải thiện rõ rệt thì mọi giải pháp ở tầm vĩ mô cũng chỉ là giải pháp “cứng”. Ùn tắc ngay từ ý thức thực sự là điều đáng lo ngại nhất.