Ứng xử có văn hóa, mỗi cá nhân cần có ý thức

ANTD.VN - Chỉ vì góp ý người khác không nên nhổ nước bọt ra sàn, một người phụ nữ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bị đánh ngay trong thang máy. Sự việc một lần nữa báo động về cách hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng…

Những hành vi thiếu ý thức đã trở thành “căn bệnh mãn tính” trong xã hội

Không chỉ khạc nhổ, xả rác bừa bãi, một số người còn hồn nhiên chen lấn, thậm chí cãi chửi nhau trước điểm mua vé tàu, xe trong dịp lễ Tết hay nói tục, ăn mặc hở hang… giữa nơi đông người. Điều này cho thấy sự ích kỷ, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm trong xã hội, đồng thời thể hiện sự yếu kém trong kỹ năng ứng xử ở một số người.

“Căn bệnh mãn tính”?

Hiện nay, khi tham gia giao thông, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, lao lên vỉa hè hoặc chen chúc nhau đến từng centimet, xe này sẵn sàng lao lên chắn đầu xe kia tạo ra cảnh tượng hỗn loạn, làm tăng nguy cơ ùn tắc.

Nếu không may xảy ra va quệt, không bên nào chịu nhường bên nào, các chủ phương tiện lao vào nhau cãi vã, chửi rủa, thậm chí còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” dẫn đến thương tích. Khi được can ngăn, họ còn đánh luôn cả người can. Có thể nói, những hành vi thiếu ý thức đó đã trở thành “căn bệnh mãn tính” trong xã hội.

Nói về tình trạng này, ông Bùi Quang Thắng - cán bộ hưu trí phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, ứng xử thiếu văn hóa không chỉ diễn ra trên các tuyến đường mà ngay cả trong những việc nhỏ như hút thuốc. Mặc dù tại nhiều nơi đã gắn biển “cấm hút thuốc” nhưng một số cá nhân vẫn hồn nhiên nhả khói, bất chấp thái độ khó chịu của những người xung quanh.

Trên xe buýt, tình trạng tranh nhau chỗ ngồi, người trẻ không nhường người già vẫn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, có những người còn gác chân lên ghế, ngồi nói chuyện điện thoại oang oang như chốn không người. Khi bị góp ý, họ không những không tỏ ra xấu hổ, xin lỗi mà còn sửng cồ, gây sự với người góp ý.

Giáo dục nhưng phải có chế tài 

Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng là một kỹ năng quan trọng. Đáng buồn là lâu nay giáo dục về văn hóa luôn bị xem nhẹ so với giáo dục kiến thức. Điều đó diễn ra không chỉ trong các nhà trường mà còn ở mỗi gia đình hay ngoài xã hội. 

“Ngay ở trong các cuộc họp, các buổi biểu diễn ca nhạc…, trong khi người khác đang phát biểu, các nghệ sỹ đang biểu diễn thì nhiều cá nhân đã vỗ tay, la ó, thậm chí đứng dậy ra về chỉ vì bản thân không thích. Tuy vậy, khi bị góp ý, họ thường phản ứng lại một cách tiêu cực. Hành động này không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác mà còn cho thấy trình độ văn hóa thấp kém của chính bản thân họ. Họ quá coi trọng cái tôi cá nhân, coi mình luôn đúng mà không biết rằng đó là sự bảo thủ, ấu trĩ một cách trì trệ” - Tiến sỹ Tâm lý Trịnh Hòa Bình nhận định.

Cũng theo Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, để thực hiện nếp sống văn minh đô thị và ứng xử có văn hóa, mỗi cá nhân cần có ý thức, lương tâm và tinh thần trách nhiệm. Đối với giới trẻ, bên cạnh sự năng động, nhạy bén trong việc tiếp thu cái mới thì việc trau dồi, rèn luyện để có được cách ứng xử thực sự có văn hóa ở nơi công cộng cần phải được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, khi những yếu tố này không được xem trọng thì phải có sự can thiệp, tác động của luật pháp, nghĩa là bên cạnh việc tăng cường giáo dục cần phải có chế tài xử lý cụ thể. 

Lấy chủ đề năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”, Hà Nội chuẩn bị ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cho người dân và quy chế ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Hy vọng với quyết tâm này của lãnh đạo UBND thành phố, hành vi ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức nói riêng và người dân Hà Nội nói chung sẽ dần thay đổi theo hướng tích cực…