Ùn tắc, ế ẩm nông sản vì đứt đoạn thông tin

ANTĐ - Kết nối thông tin giữa các cơ quan và địa phương, doanh nghiệp quá yếu, đứt đoạn dẫn đến không tiêu thụ được nông sản. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững chiều 14-5. 

Hơn 30% rau quả xuất sang Trung Quốc

Bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta. Quý I-2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, đạt 131 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngoài thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam còn được xuất sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga… Tuy nhiên, đây đều là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về kiểm dịch và an toàn thực phẩm nên đưa rau quả vào đây cần nhiều thời gian.

Ùn tắc, ế ẩm nông sản vì đứt đoạn thông tin ảnh 1

Nghịch lý tồn tại lâu nay là người nông dân luôn chịu thiệt hại khi được mùa

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian gần đây, phía Trung Quốc thắt chặt quản lý chất lượng, tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Các địa phương ở khu vực biên giới cũng quản lý chặt chẽ hơn tại các cửa khẩu,  khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Gần đây nhất, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc đã bị ách tắc tại cửa khẩu, phải đổ bỏ gây lãng phí.

Trước thực tế cứ được mùa lại mất giá, ùn tắc trong giao thương với Trung Quốc tái diễn nhiều năm qua, ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam băn khoăn: “Đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta thường xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch. Tới nay, chưa ai nói đến tiêu thụ nông sản bền vững tại thị trường Trung Quốc”. 

Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng vẫn phải nắm giữ thị trường Trung Quốc, nhưng để giảm ùn tắc, các bộ ngành nên xem xét mở thêm điểm thông quan, tăng lượng thời gian thông quan để hàng xuất đi được nhiều hơn.

Quá thiếu thông tin

Đánh giá về hoạt động tiêu thụ nông sản thời gian qua, bà Dương Phương Thảo cho rằng, khâu chia sẻ, kết nối thông tin giữa các cơ quan và địa phương, doanh nghiệp quá yếu, đứt đoạn dẫn đến ùn tắc. Cùng với đó, quy hoạch, định hướng cho người sản xuất còn hạn chế, dẫn đến những sự cố thời gian qua. 

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo phản ánh của các địa phương, thông tin về thị trường quá ít. “Địa phương chưa hiểu họ mua bán kiểu gì? Có ổn định không? Sản phẩm nào là chủ yếu?”- đại diện UBND tỉnh Quảng Nam nói. 

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay: “Rất cần các thông tin về tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu thụ, yêu cầu kiểm dịch ra sao... Vấn đề này phụ thuộc vào đội ngũ tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin nghiên cứu, dự báo thị trường cả ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ này cũng băn khoăn về cơ chế phối hợp khai thác, sử dụng thông tin.

Ông Trần Tuấn Anh lấy ví dụ, với mặt hàng dưa hấu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương rà soát sản lượng, thời điểm thu hoạch, phương án tiêu thụ để đảm bảo thông quan, nhưng không nhận được câu trả lời từ các địa phương. “Bộ Công Thương phải nắm thông tin qua báo chí và phải tự đi thực tế”- Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến cáo.

Ủng hộ quan điểm cho rằng cần tăng cường chế biến sau thu hoạch, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh băn khoăn: “Nếu ta có hệ thống hạ tầng tốt thì sẽ giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, nhưng đầu tư vào hạ tầng kinh phí ở đâu, nguồn nào? Chính phủ đã chỉ rõ là phân bổ cho địa phương, nhưng có bao nhiêu phần trăm vốn được các địa phương đầu tư cho hạ tầng nông thôn, kể cả chợ đầu mối, chợ nông sản? Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng được mùa mất giá kéo dài. Hơn nữa, vai trò của chính quyền địa phương ở đâu trong thực hiện quy hoạch? Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch có được thực hiện tốt không”?