Những thắng cảnh tuyệt tác ở Cổ Lũy Cô Thôn
Người ta nói nếu ai đó chạm vào Cô Thôn thường là những con người giàu tình, tràn nghĩa, và chạm vào Cổ Lũy thường là những người phóng khoáng. Núi Phú Thọ nằm tại xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 11km về phía Đông. Chính hướng ra biển của Cổ Lũy trên đỉnh núi Phú Thọ đã kết hợp nên một thắng cảnh của “lối xưa”. “Nhất bọ nhị trạng” đó là cách nói khi ta chạm vào mảnh đất u tịch, nơi đến dường như chỉ dành cho tao nhân mặc khách. Mỗi bước đi, ta có thể cảm nhận được sự phóng khoáng của thiên nhiên gửi tặng con người. Bước thấp thấy thạch sơn bố trận xưa kia còn nguyên trạng để người nay đến thấy sự tài hoa của bàn tay “mẹ” tạo hóa. Bước cao phóng tầm mắt đắm chìm Cô Thôn bảng lảng dưới bóng dừa u tịch bên cửa sông Trà Khúc mênh mang. Trên đỉnh núi Phú Thọ là nơi cho ta thỏa chí phóng tầm mắt ra biển bao la, những cánh buồm, thuyền cập bến cửa sông Trà Khúc như những cánh chim hải âu đậu bên bờ để hòa nhịp sống với Cô Thôn.
Giờ Cổ Lũy chỉ còn lại những dấu xưa, nền cũ. Đó là những kiến trúc của một thời vàng son đã bị thời gian phủ bóng. Những bia đá rêu phong cho các nhà nghiên cứu về vùng đất ẩn chứa những giá trị văn hóa. Nhiều đoạn trên văn bia đã được nhà nghiên cứu dịch nghĩa và nói về “sự hình thành” của thạch lũy trên núi Phú Thọ. Đó là thuở xưa, đồng bào dân tộc Chăm đã từng sinh hoạt và vận dụng vào thiên nhiên để chở che cho cuộc sống của mình. Chính những tảng đá có hình khối đẹp và lạ kỳ ấy đã từng là chiến lũy bảo vệ cho cuộc sống xưa và cho Cô Thôn trong những năm kháng chiến. Hòa vào nhịp sống ở Cô Thôn mới thấy được tình nghĩa của con người ăn to nói lớn, ăn sóng nói gió lòng dạ thật như vị mặn mòi của muối biển. Chỉ một tiếng thích trái dừa thì “chú ba” sẵn sàng leo cao vót lên ngọn hái xuống bổ lấy nước uống cho thật đã rồi lắng nghe tiếng hò chèo ghe trầm bổng. Và chạm vào Cổ Lũy Cô Thôn ta sẽ thấy được dấu xưa trên đá, và thú vị ở câu nói “nhất bộ nhị trạng” - mỗi bước đi lại được thắng cảnh tuyệt tác.