Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Thu hẹp đối tượng được hưởng ưu tiên

ANTĐ - Với mức chênh lệch lên tới 2, 3 điểm giữa thí sinh được hưởng điểm ưu tiên và thí sinh không thuộc đối tượng này, nhiều người cho rằng điều này tạo ra sự bất bình đẳng  khi xét tuyển vào những trường đại học công lập. Tuy nhiên, dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 của Bộ GD-ĐT vẫn chưa thay đổi về mức điểm này.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Thu hẹp đối tượng được hưởng ưu tiên ảnh 1Không ít thí sinh cho rằng bị thiệt thòi vì mức chênh lệch điểm ưu tiên quá lớn

Phải học trường tư vì không được ưu tiên

Với sự cạnh tranh gay gắt của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, việc chênh nhau nửa điểm, thậm chí 0,25 điểm cũng tạo lợi thế cho thí sinh, đặc biệt là vào những trường lấy điểm đầu vào cao. Nếu như thí sinh khu vực 3 phải đạt mức điểm 27,75 mà không được hưởng bất cứ mức ưu tiên nào để đỗ vào Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội năm 2015 thì các thí sinh khu vực 1, 2 và thí sinh thuộc diện chính sách có thể đỗ vào trường này với mức điểm 3 môn là 24, 25 điểm. Mức chênh lệch này là quá lớn với sự nỗ lực của thí sinh để đỗ vào những trường đại học danh tiếng.

Năm nay, nhiều người đề nghị Bộ GD-ĐT phải công bố số liệu cụ thể những thí sinh đỗ vào các trường ĐH tốp đầu như  ĐH Y, Dược TPHCM, ĐH Y, Dược Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương… được hưởng điểm ưu tiên so với tổng chỉ tiêu để đánh giá được mức chênh lệch giữa đối tượng được hưởng chính sách và thí sinh bình thường. Không ít thí sinh bức xúc khi học sinh thành phố, thuộc khu vực 3, khu vực không được hưởng ưu tiên tuyển sinh bị trượt ĐH công lập do không thể cạnh tranh nổi với những thí sinh điểm thấp hơn mình nhưng lại được cộng từ 2 đến 3 điểm ưu tiên.

Việc bắt buộc phải học ĐH ngoài công lập đối với nhiều gia đình thành phố cũng gây khó khăn không ít về tài chính và hạn chế cơ hội học tập của những thí sinh này. Trong khi đó, chính sách ưu tiên là để đảm bảo công bằng về cơ hội học tập giữa các đối tượng thuộc vùng miền khác nhau hoặc thuộc gia đình chính sách.

Trước những phản ánh về sự thiếu công bằng trong việc cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, những bức xúc về ưu tiên tuyển sinh không hẳn do mức điểm ưu tiên mà là do cách làm tròn điểm. Được biết, năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định quy tròn điểm theo từng môn thi, dẫn tới thí sinh được lợi khi cộng cả 3 môn thi. “Năm nay, Bộ dự kiến quy tròn theo tổng điểm các môn thi và cũng chỉ quy tròn đến 0,25 điểm. Điều này sẽ hạn chế bất cập về sự chênh lệch điểm ưu tiên” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết. Bên cạnh đó, mặc dù Bộ GD-ĐT không hạ điểm ưu tiên như nhiều ý kiến đề xuất nhưng lại thu hẹp đối tượng ưu tiên so với năm 2015.

Lo ngại quy định xét tuyển bằng học bạ

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 được Bộ GD-ĐT công bố dự thảo ngày 18-2 cho thấy, các trường công lập hay ngoài công lập đều có thể tự xây dựng đề án tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong đó không hạn chế hay khoanh vùng đối tượng là các trường ĐH công lập hay ngoài công lập, cũng không đặt ra việc phải có ngưỡng riêng đối với trường công lập thuộc tốp đầu. 

Điều này đang gây lo lắng đối với nhiều trường ĐH ngoài công lập và những trường mới thành lập vì đầu vào có thể được hạ thấp đến mức chỉ xét học bạ THPT thay vì phải dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến sẽ không đặt ra điểm sàn với bậc CĐ của các trường ĐH, CĐ tuyển sinh hệ này. PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra một số thay đổi phù hợp với thực tế mở rộng tối đa phương thức tuyển sinh. Điều này có lợi cho thí sinh và bắt buộc các trường phải tự nâng cao chất lượng uy tín để tăng tính cạnh tranh. 

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Văn Hóa vẫn lo ngại về quy định cho phép các trường đại học công lập tuyển sinh theo hình thức xét học bạ THPT như các trường đại học ngoài công lập. Nếu có nhiều trường công lập áp dụng cách tuyển sinh này thì các trường ngoài công lập lại rơi vào tình trạng thiếu thí sinh. Lo lắng này phát sinh từ việc có sự chênh lệch lớn giữa các trường đại học công lập được đầu tư, có ưu thế tốt trong xã hội trong khi khối trường đại học ngoài công lập phải tự phấn đấu và chịu sự đánh giá khắt khe của xã hội. Năm ngoái, tình trạng trường ngoài công lập, trường CĐ không tuyển được thí sinh đã khiến các trường này phải đưa ra nhiều kiến nghị lên Bộ GD-ĐT như bỏ điểm sàn, không cho phép các trường công lập tuyển vượt chỉ tiêu…

Chỉ được đăng ký một nguyện vọng vào trường quân đội

Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng vừa thông báo, kỳ tuyển sinh ĐH 2016 khối các trường quân đội, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng vào 1 trường ngay từ khi sơ tuyển, tức trước khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Các trường quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng, đã dự kỳ thi THPT quốc gia với các môn thi phù hợp với tổ hợp các môn thi theo quy định. Thời gian sơ tuyển bắt đầu từ ngày 10-3 đến hết  10-5. Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển theo 2 đợt: tuần đầu tháng 4 và tuần đầu tháng 5. Năm 2016, các trường quân sự vẫn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.        

Duy Anh