Tuyển sinh đại học: Nhiều lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao nhưng thí sinh ít lựa chọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GD-ĐT thống kê, nhiều lĩnh vực đào tạo ĐH có tỷ lệ việc làm sau khi ra trường cao nhưng số sinh viên đăng ký theo học lại rất thấp.
Ngành nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng là một trong những ngành có tỷ lệ sinh việc tốt nghiệp có việc làm ở mức cao

Ngành nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng là một trong những ngành có tỷ lệ sinh việc tốt nghiệp có việc làm ở mức cao

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%), bao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%). Điều đặc biệt là số lượng sinh viên tốt nghiệp các lĩnh vực đào tạo thuộc nhóm này rất thấp, chỉ dao động từ vài trăm đến trên một nghìn sinh viên.

Các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức khá (đạt tỷ lệ từ 75% đến 85%), gồm: Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).

Với những ngành học trên, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao như vậy nhưng trong vài năm trở lại đây có 5 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp nhất, bao gồm: Khoa học tự nhiên (41,43%), Nông lâm ngư nghiệp và thủy sản (43,91%), Dịch vụ xã hội (49,98%), Khoa học sự sống (54,43%), Môi trường và bảo vệ môi trường (65,28%).

Được biết, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho thấy, từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, trong đó có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới.

Các ngành mà các trường đại học mở nhiều nhất đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực mới là: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing…

Đánh giá về xu hướng đào tạo ĐH hiện nay, Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều trường ĐH đã chủ động dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội và chủ động thay thế bằng các ngành đào tạo mới phù hợp và cần thiết hơn trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại và xu hướng trong tương lai gần.

Có thể thấy việc thống kê các ngành nghề xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực là một trong những căn cứ để thí sinh cân nhắc, lựa chọn trong thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH 2022.