Tuyển sinh 2012: Có tiếp diễn tình trạng lao vào ngành “nóng”?

ANTĐ - Trước thời điểm chính thức bước vào mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, điều mà các thí sinh cần lưu ý là cái nhìn tổng thể về các nhóm ngành đào tạo bởi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường không đồng nghĩa với nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực, đặc biệt với các nhóm ngành “nóng”.

Lựa chọn ngành đăng ký tuyển sinh cần tính đến nhu cầu nguồn nhân lực


Mất cân đối mùa tuyển sinh 2011

Số liệu thống kê mới đây nhất về toàn cảnh tuyển sinh các khối ngành năm 2011 của TS. Lê Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban Đại học và Sau Đại học ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy trên cả nước có gần 300 ngành học được tổ chức tuyển sinh tại 475 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Như đã biết, dẫn đầu tất cả các nhóm ngành vẫn là Kinh doanh có tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất với 10,98%, cùng với đó là các nhóm ngành Kế toán - Kiểm toán 9,00%; Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm 8,63%. Trong khi đó các nhóm ngành Xây dựng chỉ có 4,05% thí sinh đăng ký dự thi; Nông nghiệp 4,02% và Y học 3,41%.

Thực trạng về mất cân đối giữa nhu cầu đăng ký học của học sinh với cân đối bố trí cơ cấu lao động và nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cảnh báo. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, với hơn 70% dân số là nông dân và nông nghiệp là mặt trận rất quan trọng thì số hồ sơ đăng ký vào khối ngành Nông-Lâm-Ngư theo thống kê của Bộ chưa đến 3% rất đáng lo ngại. Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, kiến trúc, xây dựng cũng là lĩnh vực rất cần thiết trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhưng số lượng đăng ký chưa đến 2% báo trước sự thiếu hụt về nguồn lực lao động trong các ngành nghề này. Điều đáng nói là so với năm 2010, 2011, tình trạng gia tăng thí sinh đăng ký vào các ngành Kinh tế-Tài chính và giảm sút ở các ngành khan hiếm nhân lực càng tạo ra sự chênh lệch lớn đặc biệt ở các nhóm ngành Nông-Lâm-Ngư và Giao thông vận tải.

Thiếu định hướng nguồn nhân lực

Mặc dù có sự mất cân đối trong mùa tuyển sinh năm 2011 nhưng đến năm 2012, nhóm ngành Kinh tế-Tài chính vẫn tiếp tục được tăng chỉ tiêu và vẫn là một trong những “át chủ bài” của các trường khi có sức hút với các khối A, D, những khối có lượng thí sinh dự thi đông nhất. Băn khoăn về sự lựa chọn của thí sinh dự thi năm nay, bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết, trong khi hồ sơ đăng ký dự thi vào trường luôn giữ ổn định với các ngành nhưng riêng với ngành Tài chính - Ngân hàng thì số lượng hồ sơ nộp vào trường ngày càng tăng, chứng tỏ ngành này vẫn có sức hút lớn. Cũng vì vậy, bà Thủy cho rằng thí sinh cần xem xét năng lực và lựa chọn ngành nghề mình yêu thích chứ không nên chạy theo thị hiếu xã hội bởi cơ cấu ngành nghề sẽ buộc phải cân đối lại khi lượng cung quá nhiều.

Nhận định về việc này, ông Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết đến thời điểm này vẫn chưa có cuộc khảo sát tổng thể về việc làm của sinh viên thuộc các ngành này khi ra trường, tuy vậy nhiều khả năng nguồn nhân lực của ngành này đã dư thừa dẫn tới tình trạng nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc. Khi phân bổ chỉ tiêu, ngành quản lý cần cân đối xem xét lại chứ không vài năm nữa sẽ thừa nguồn nhân lực ngành này.

Đây cũng là điều mà một số chuyên gia tuyển sinh cũng đặt vấn đề vì hiện nay đã có quy hoạch nguồn nhân lực thì việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phải bảo đảm yêu cầu kép: bảo đảm chất lượng và số lượng theo ngành nghề, theo vùng miền. Các chuyên gia này cũng chỉ rõ, các trường không thể tự đặt ra chỉ tiêu từng ngành nghề cụ thể mà phải do một cơ quan điều phối tổng thể của nhà nước, giao chỉ tiêu theo từng ngành cho cơ sở đào tạo để khi tổng hợp lại, về cơ bản đáp ứng được tổng quy mô nhu cầu nhân lực quốc gia theo quy hoạch. Làm được việc này là đã thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - xã hội trong đào tạo. Nhà nước đặt hàng, cơ sở đào tạo thực hiện, người sử dụng và thị trường lao động không lo thiếu nguồn nhân lực.

Tuy vậy, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT công bố thì việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh vẫn dựa trên 2 tiêu chí: giáo viên và cơ sở vật chất. Như vậy, điều các thí sinh cần lưu ý là chỉ tiêu tuyển sinh do các trường xây dựng không hoàn toàn căn cứ quy hoạch phát triển nhân lực mà chỉ dựa trên năng lực đào tạo của trường, trong đó chủ yếu dựa trên các tiêu chí cụ thể của trường để bảo đảm chất lượng đào tạo. Việc có tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo sau khi ra trường hay không đang phụ thuộc vào chính các thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề dự thi kỳ tuyển sinh năm 2012 sắp tới.