Tuyên chiến với sách lậu

(ANTĐ) - Liên tục các vụ thu giữ sách lậu với số lượng lớn trong thời gian gần đây đã cho thấy nạn sách lậu vẫn hoành hành mà chưa có “thuốc đặc trị”. Dường như các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi in ấn, phát hành sách lậu đã mất tác dụng trước lợi nhuận khổng lồ từ sách lậu mang lại. Các đối tượng vi phạm “vui vẻ” nộp phạt để rồi... tiếp tục vi phạm.

Tuyên chiến với sách lậu

Bài 1:  Nhờn thuốc

(ANTĐ) - Liên tục các vụ thu giữ sách lậu với số lượng lớn trong thời gian gần đây đã cho thấy nạn sách lậu vẫn hoành hành mà chưa có “thuốc đặc trị”. Dường như các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi in ấn, phát hành sách lậu đã mất tác dụng trước lợi nhuận khổng lồ từ sách lậu mang lại. Các đối tượng vi phạm “vui vẻ” nộp phạt để rồi... tiếp tục vi phạm.

80% sách bán trên vỉa hè là sách lậu
80% sách bán trên vỉa hè là sách lậu

Biết cứ phải làm ngơ

Tốn không biết bao nhiêu lời bàn trên báo chí lẫn các cuộc hội - họp trong giới xuất bản về vấn đề sách lậu nhưng mặc ai bàn cứ bàn, sách lậu vẫn hàng ngày hàng giờ ngang nhiên bày bán công khai trên thị trường, chiếm hữu các chiếu sách vỉa hè, xâm nhập vào các nhà sách “đại hạ giá, siêu hạ giá”... Trong khi đó, các NXB, nhà sách làm ăn chân chính đau đầu tìm mọi cách tuyên chiến với sách lậu như giảm giá sách tối đa có thể (như Bách Việt), hướng dẫn cho độc giả cách phân biệt sách giả - sách thật (như Nhã Nam), tổ chức các đợt khuyến mãi giảm giá lớn (như Kim Đồng, Trẻ), thậm chí là đi lùng sục, rình rập... nhưng kết cục vẫn thất bại. Bởi sách thật không thể “đánh giáp lá cà” với sách lậu vốn có đặc thù sản xuất theo hình thức 5 không: không phí lao động, không phí quảng cáo, không phí bản quyền, không giấy phép và không đóng thuế.

Bà Thẩm Liên Hương - Trưởng phòng Xuất bản và Kinh doanh sách, Tổng Công ty Sách Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi bán sách trong một cơ ngơi hoành tráng, trưng bày trang trọng, mọi hàng hóa mua vào, bán ra đều có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, đều phải nộp thuế cho Nhà nước, nên dù rất lưu tâm đến việc hạ giá thành thì cũng chỉ có thể chiết khấu tối đa cho khách hàng đến 10%. Như thế không thể thắng được những cuốn sách được giảm 30 - 45% giá bìa. Nhiều khi đi qua những cửa hàng sách, biết là họ bán sách lậu công khai mà cũng phải lắc đầu làm ngơ. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng cơ quan chức năng không giải quyết được”.

Ông Lê Thanh Huy - Giám đốc Công ty Sách Bách Việt cũng bức xúc: “Khi Bách Việt mới bị in lậu những tựa sách đầu tiên, chúng tôi đã đi “lùng” những kẻ làm lậu và áp dụng một số biện pháp chống sách lậu “nổi tiếng”. Nhưng chúng tôi không đủ sức khi mà cơ sở làm sách lậu quá nhiều nên đành “buông xuôi”. Đến nay, số đầu sách bị làm lậu của Bách Việt đã lên đến xấp xỉ 30. Không thể tính được con số thiệt hại vì để tính toán được con số đó cần có số lượng sách in lậu đã được tiêu thụ, chiếm mất thị phần của sách thật. Nhưng ước tính ở mức thấp nhất cũng phải là hàng tỉ đồng”.

Xử phạt như “gãi ngứa”

Chính các chuyên gia trong ngành xuất bản cũng khẳng định: Chế tài xử phạt đối với hành vi in và tiêu thụ sách lậu quá nhẹ và không đủ sức răn đe. Nếu quy vào hành vi in lậu, in không giấy phép thì mức phạt tối đa là 20 triệu đồng, có thể cấm kinh doanh một thời gian. Còn nếu quy vào hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ trong Luật Bản quyền thì tối đa cũng chỉ 100 triệu đồng. Trong khi đó, với hình thức xuất bản “5 không” như đã nói ở trên, lợi nhuận mà các đầu nậu thu về là con số hàng tỷ. Cho nên mức phạt nhẹ hều kia chỉ như “gãi ngứa”, không thể làm các đối tượng vi phạm “chờn tay”.

Cái sự bất khả thi của việc dẹp nạn dịch sách lậu, chấp nhận sống chung với sách lậu này còn bị đẩy lỗi về phía độc giả - người tiêu dùng. Ông Nguyễn Kiểm- Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng: “Mỗi một độc giả ham sách rẻ là một động lực cho sách lậu phát triển. Đa số người dân chưa thực sự coi trọng chất xám, coi trọng tác giả lẫn những nguời đã bỏ rất nhiều công sức lẫn tiền bạc để cho ra đời một cuốn sách. Cũng có những người bị lừa, mua sách giả với giá sách thật. Nhưng nếu họ không mua sách vỉa hè, không vào các cửa hàng giảm giá 45% thì khó mà mua phải sách giả. Cái biển giảm giá tới 45% đã là một tín hiệu của sách in lậu”.

Tuy thế, người tiêu dùng cũng có cái lý riêng: bởi khi sách lậu và sách thật đều được bày bán công khai, với chất lượng nội dung tương đương, thì cái nào rẻ hơn, hợp túi tiền hơn dĩ nhiên sẽ được lựa chọn. Nếu các nhà quản lý lẫn cơ quan chức năng dẹp bỏ được sách lậu thì người tiêu dùng cũng không thể bị sách lậu công khai cám dỗ. Còn theo như ông Lê Thanh Huy thì việc dẹp bỏ nạn dịch sách lậu sẽ là nhiệm vụ bất khả thi nếu các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc mà chỉ để những người làm xuất bản loay hoay chống đỡ và kêu cứu như hiện nay. Thực tế thị trường xuất bản không quá rộng như một số ngành nghề khác, và cũng không quá khó để phát hiện ra những người làm sách lậu.

Hoàng Hồng

Kỳ sau: Phải coi sách lậu là hàng giả