Tưởng dễ mà khó

ANTĐ - Dự án Luật Giá vừa được trình họp tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi đã được chỉnh sửa và bổ sung khá nhiều nội dung về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá. Trước đây đó là những nội dung giao cho Chính phủ quy định, còn trong dự án luật chỉ đưa ra những tiêu chí chung chung. Điểm nổi bật được dư luận quan tâm là xăng dầu sẽ nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ được thực hiện bình ổn giá và đây cũng là mặt hàng nhà nước quy định giá.

Cùng với xăng dầu còn có 12 hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là: xi măng, thép xây dựng, muối, sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi, thóc, gạo tẻ thường, thuốc phòng chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh do Bộ Y tế quy định và 12 hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá gồm: nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; điện, dịch vụ chuyển tải điện; dịch vụ khám chữa bệnh… vì sao Luật Giá lại phải bổ sung những danh mục chi tiết đến như vậy? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội giải thích, khi thảo luận về luật này tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đông đảo đại biểu đều đề nghị cần cụ thể. Bởi vì, nếu không quy định thì sẽ vấp phải phản ứng của người dân cũng như doanh nghiệp về đòi hỏi cần minh bạch. Có quy định cụ thể thì mới đảm bảo được tính minh bạch, ổn định tạo căn cứ cho việc điều hành giá cả. Những danh mục này được xem như cái khung và Chính phủ lựa chọn trong cái khung đó để thực hiện bình ổn và định giá, Chủ nhiệm ủy ban này nhấn mạnh. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại phân tích sự chưa hợp lý của những danh mục trên. Ông trích dẫn Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua, trong đó có nội dung đưa giá điện, giá than và một số giá dịch vụ công theo giá thị trường chậm nhất là năm 2013.

Theo ông Chủ nhiệm hiện có hai khuynh hướng về bình ổn giá, Có khuynh hướng cho rằng bình ổn giá như vậy là quay về thời bao cấp, khuynh hướng kia lại coi đây là cách làm phù hợp với nền kinh tế nước ta. Do đó, cả bình ổn giá và định giá cần rất thận trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, bình ổn giá và định giá đúng là có “vấn đề”. Nếu quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào giá sẽ cản trở cho sự phát triển. Trước luồng ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách và Bộ trưởng Bộ Tài chính đều có chung quan điểm. Việc bình ổn giá hay định giá không ảnh hưởng gì đến lộ trình đưa ra theo cơ chế thị trường, vì quy định như vậy chỉ là cái khung, khi cần thiết thì thực hiện trên cái khung đó. Bình ổn giá cần phải hiểu theo xu thế trung hạn, chứ không phải ngắn hạn. Bình ổn giá không có nghĩa là vi phạm cơ chế thị trường. Bộ trưởng Tài chính đặc biệt khẳng định rằng, không phải là nền kinh tế thị trường thì nhà nước không có quyền định giá. Định giá cũng có nhiều cách: định giá trần, giá sàn, khung giá, giá cụ thể. Định giá thể hiện quyền lực của nhà nước. Ông đặt câu hỏi và trả lời luôn: “giá điện, giá than… định giá có mâu thuẫn gì với thị trường không? Không có mâu thuẫn gì cả. Chẳng hạn khi tăng dần giá điện lên là cũng theo cơ chế thị trường rồi. Nếu để thị trường thì giá sẽ tăng ngay lập tức lên rất cao”.

Quả quyết chắc chắn như vậy, song Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận, Luật Giá tưởng dễ nhưng rất khó, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm. Khi đưa một loạt danh mục quy định trong luật vào thực hiện càng không dễ dàng. Phương án tốt nhất là quy định kỹ hơn về tiêu chí.