Tự ý dùng thuốc bổ, cao dán chống buồn ngủ: Chơi dao!

(ANTĐ) - Để giúp các em có thêm sinh lực và minh mẫn trong thời gian chuẩn bị thi cử, nhiều bậc phụ huynh đã tìm mua các loại thuốc bổ, thuốc tăng trí nhớ để mong con em mình tăng hiệu quả học tập. Tuy nhiên, điều này có thể gây hại cho sức khoẻ...

Các bậc phụ huynh thường mua thuốc bổ cho con em mình không theo sự chỉ định của bác sĩ

(Ảnh minh họa)

Thuốc bổ, không phải là thần dược

Theo nhiều chủ cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 6, lượng khách hàng tới mua thuốc bổ hỗ trợ trí nhớ và miếng dán chống buồn ngủ đã tăng đáng kể. Một chủ hiệu thuốc ở "chợ thuốc Tây" Ngọc Khánh cho biết: “Người ít tiền thì hỏi mua loại thuốc "bình dân" như Glutaminol B6, chỉ với hơn 10.000 đồng là mua được cả trăm viên, hoặc Pho-L, Hoạt huyết dưỡng não... giá 20.000 đồng/vỉ. Người nhiều tiền hơn thì dùng các loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp như

Arcaliotin, Piracetam, Duxil... có giá 3.000 - 4.000 đồng/viên”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết những người mua các chủng loại thuốc này về dùng đều không có đơn thuốc. Họ dùng theo tin đồn, truyền miệng, thậm chí đặt niềm tin vào các chủ cửa hàng thuốc. Chị Nguyễn Thu Hồng, chủ một hiệu thuốc trên phố Giảng Võ tiết lộ: “Sở dĩ người dùng loại thuốc này không mấy khi nghi ngại về tác dụng của thuốc vì họ cho rằng đã là thuốc bổ nếu không tốt cũng không gây hại cho sức khỏe của con người. Hơn nữa, không bổ trước thì cũng bổ sau”.

Theo quảng cáo thì các loại “thần dược” này có tác dụng bổ não, tăng cường trí nhớ, tuần hoàn máu, giúp đầu óc luôn tỉnh táo, minh mẫn, đặc biệt là học nhanh thuộc bài. Để thuyết phục chúng tôi, một chủ cửa hàng thuốc trên phố Tôn Đức Thắng kể: “Năm ngoái, một cô bé đi thi đại học nhưng có tật hay quên nên nhờ tôi tư vấn dùng thuốc cải thiện trí nhớ. Một tuần sau cô bé ấy quay lại mua thêm cả chục vỉ để dùng dần. Mặc dù đó là loại thuốc đặc trị dùng để giảm chứng đãng trí ở người già nhưng già, trẻ ai dùng chẳng như nhau…”. Tuy nhiên, thực tế không giống như những lời mà chủ cửa hàng thuốc trên quảng cáo. Bạn Hoàng Thu Trang, học sinh PTTH trú tại quận Đống Đa đã phải đi cấp cứu vì trót nghe theo lời tư vấn của một chủ cửa hàng thuốc khi tự động mua thuốc cải thiện trí nhớ về dùng thử. Trang vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại với chúng tôi: “Em suýt chút nữa thì phải bỏ kỳ thi năm ngoái khi tin lời người bán thuốc mua thuốc tăng cường trí nhớ về uống. Uống xong em có cảm giác xây xẩm mặt mày, rồi đau đầu, buồn nôn. May mà bố mẹ đưa em tới bệnh viện cấp cứu kịp thời”.

Bên cạnh sản phẩm thuốc bổ hỗ trợ trí nhớ, cao dán chống buồn ngủ cũng được khá nhiều phụ huynh và các thí sinh dùng làm “vật phòng thân”. Sản phẩm được đóng gói kín, viết bằng tiếng nước ngoài. Khi được hỏi về chất liệu của miếng dán, một chủ quầy thuốc trên đường Quán Thánh cho biết, thành phần cao dán được chiết xuất từ bạc hà nên giúp người dùng tỉnh ngủ. Tuy nhiên, tỉnh táo đâu chẳng thấy chỉ thấy mệt mỏi thêm. Em Nguyễn Khánh Linh kể lại: “Sau khi dán cao chống buồn ngủ, em không thấy buồn ngủ, nhưng thay vào đó là cảm giác trì trệ nếu không dùng, nhất là buổi tối. Có lần sau khi dán em có cảm thấy rất ức chế, mệt mỏi, chán ăn và sút cân. Sợ quá nên em ngừng sử dụng ngay sau đó”.

Không có phương thuốc tạo ra trí nhớ

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thị Thu Hà - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, tình trạng phụ huynh cho con dùng các loại thuốc hỗ trợ trí nhớ không có đơn kê của bác sĩ đang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, các loại thuốc này có tác động biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc... của các sĩ tử. Có loại thuốc tuy có tác dụng an thần, giải tỏa căng thẳng, nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ gây ra tác dụng không mong muốn, gây thèm ngủ và triệu chứng... quên. Ngược lại, với loại tác động mạnh như thuốc Amphetamin sẽ kích thích đầu óc tỉnh táo, nhưng nếu dùng thuốc kéo dài có thể làm cơ thể suy kiệt và nguy hiểm hơn là gây nghiện. Thuốc bổ thần kinh chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần, chứ không phải cứ uống là bổ. Việc ghi nhớ kiến thức là quá trình tích lũy lâu dài, chứ không phải dùng thuốc trong vài ngày, vài tuần mà có được. Ngoài ra, việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh thường xuyên sẽ khiến thần kinh luôn luôn hưng phấn và ức chế quá mức, có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây tai biến và tử vong.

Cũng theo bác sỹ Hà, sử dụng miếng dán chống buồn ngủ nguy cơ bị nghiện và ảnh hưởng đến thần kinh là rất cao. Bởi đây là một dạng thuốc kích thần, tác động của nó là tạo hưng phấn, chống buồn ngủ, chống đói... Khi dán lên da, thuốc sẽ thấm vào mao mạch gây kích thích lên hệ thức tỉnh qua hệ thống thần kinh khiến người dùng sẽ bị tăng huyết áp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi, gây chán ăn dẫn đến cơ thể gầy mòn, suy kiệt. Người dùng thuốc lâu dài bị kích thích, dễ nổi cáu. Bên canh đó, việc thiếu ngủ triền miên sẽ khiến cho cơ thể con người mệt mỏi, các cơ đau nhức, mắt mờ đi, giảm tập trung. Mất ngủ trong vòng 1 tuần sẽ gây rối loạn trí nhớ, có những hành vi bất thường và bị hoang tưởng. Có một số cách để giúp các sỹ tử vượt qua cơn buồn ngủ như ngủ ngắn cứ sau 4 giờ/1 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 15-20 phút, hoặc tự xoa bóp bấm huyệt, hay các loại nước giải khát kích thích nhẹ...

Có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng là một giải pháp tốt để có sức khỏe tâm thần ổn định, tỉnh táo, minh mẫn, tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn đảm bảo sức khỏe trong kỳ thi. Để ôn thi có hiệu quả, các em nên chú ý ăn uống đủ chất, học và nghỉ ngơi điều độ. Các em cần ghi nhớ không có phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ, trí thông minh hay tăng cường trí nhớ, chỉ có thuốc điều trị suy giảm trí nhớ. Người khỏe mạnh bình thường tuyệt đối không nên lạm dụng các chế phẩm "tăng cường sức khỏe" như các loại vitamin tổng hợp, các loại khoáng chất, a xít folic,... vì các chất này thường đã được cung cấp đầy đủ qua thức ăn, dùng nhiều sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể. Nếu dùng các loại thuốc tác động đến thần kinh không theo chỉ định của bác sỹ không những không tố cho cơ thể mà thậm chí còn gây hại, suy giảm khả năng làm việc của bộ não, biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc…

Cần tạo niềm đam mê
Để có một cơ thể khỏe mạnh và trí óc minh mẫn, điều quan trọng nhất cho các thí sinh vẫn là chế độ dinh dưỡng, học tập, nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho não thông qua việc ăn uống. Một số loại thực phẩm có tác dụng cải thiện trí nhớ như táo, sơri, hành tím, dâu tây, cải bó xôi, củ cải đỏ, lòng đỏ trứng, nho, con hàu, chuối, sữa chua, cá… Các em có thể bổ sung ca lo cho cơ thể qua nhiều bữa ăn phụ như uống thêm sữa, nước hoa quả. Không nên ăn quá no vì khi đó hệ tuần hoàn phải hoạt động mạnh để tiêu hóa thức ăn nên làm cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ, mất tập trung. Bên cạnh đó, các sỹ tử cần tạo cho mình sự phấn khích, đam mê trong việc học hành, có chế độ làm việc khoa học, tránh thức quá khuya, nên ngủ đủ giấc, tuyệt đối không nên sử dụng bất kỳ chất kích thích nào qua đường da và đường uống để chống buồn ngủ, cần đảm bảo ngủ ít nhất 6 giờ mỗi ngày.

Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn
- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng