Tự chặt đứt ngón tay mình để cất đi quá khứ tội lỗi

ANTĐ - Từng học rất giỏi, rồi bỏ học giữa chừng, trở thành “đại ca” giang hồ khét tiếng. Sau biết bao thăng trầm, Huỳnh Thiện Hữu - thế danh của sư Thích Chơn Hữu đã tìm được con đường sáng, theo nghiệp tu hành, trở thành nhà sư chuyên làm việc thiện nổi tiếng xứ Huế. Biết bao con đường sa ngã, rồi tỉnh ngộ, đường đi của Sư Chơn Hữu vừa lạ lùng vừa đáng khâm phục.

Tự chặt đứt ngón tay mình để cất đi quá khứ tội lỗi ảnh 1Sư Thích Chân Hữu là người trồng lan có tiếng ở Huế

1. Đi muôn nẻo đường, tận thấy nhiều cảnh đời vẫn đau đáu tìm lối đi. Có người lầm lạc không tìm được đường sáng. Có người phải trả giá cho những năm tháng lao tù. Trong số đó, hàng trăm người đã tìm lại được bản thân, tách mình khỏi sự bủa vây của cạm bẫy, trở thành người có ích. Sư Chơn Hữu trước đây cũng đã từng đi lạc. Sự soi rọi nào đã dẫn dắt, hay chính những nỗi đau trần thế khiến người đàn ông của giang hồ một thuở ấy tỉnh ngộ, giờ là đại đức Thích Chơn Hữu, tu tại chùa Định Quang, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên-Huế)? Ông đã thấu hiểu giá trị của cuộc đời, chán ghét sự nhàm chán, cất đi quá khứ lầm lỡ, nhập tự, đi gieo tình thương trong cuộc đời để gặt lấy sự thanh thản và niềm vui.

Nếu là dòng đời đẩy xô, thì sư Chơn Hữu đã trải qua những cung đoạn nào? Sinh năm 1971 tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang. Lên 4 tuổi, Huỳnh Thiện Hữu cùng gia đình chuyển về Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp. Suốt quãng thời gian học cấp I, II, cậu bé rất chăm ngoan, học giỏi, thường xuyên có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi văn. “Năm tôi học lớp 9 thì cha mất vì tai nạn giao thông, mình mẹ tôi nuôi 5 anh em. Lên cấp III, sự trống vắng, buồn đau kéo dài đã đẩy tôi vào vết trượt dài, là chán học. Khi chán học thì người ta phá bĩnh, muốn quậy phá”, sư Hữu tâm sự.

Ngày đó, Hữu đi học võ và dần “lấy được số má”, được nhiều thanh niên cùng trang lứa gọi bằng anh, hoặc tôn vinh là “đại ca”. Mẹ Hữu không ít lần được mời lên họp phụ huynh vì những trò quậy phá của Hữu. Rồi cũng đến ngày các thầy cô, nhà trường đành bất lực với cậu học trò cá biệt, đành phó mặc cho gia đình. Hữu dấn thân sâu vào thế giới giang hồ và lập nên băng nhóm chuyên làm luật rừng ở các vũ trường, tổ chức đua xe trái phép. Thêm nữa, còn hành nghề bảo kê, đánh thuê, tranh giành địa phận. Bằng bản lĩnh giang hồ, Hữu trở thành nhân vật có máu mặt. Bộc bạch về điều này, sư Chơn Hữu cho biết: “Vào chốn giang hồ rất sớm, chưa ý thức rõ ràng về cuộc đời mà chỉ là sự khẳng định mình, muốn hơn thua bằng bạo lực. Trong giới giang hồ tôi thường đứng ở vị trí đầu tiên, thứ hai hoặc thứ ba. Những điều đó chỉ là ảo tưởng của tuổi trẻ”.

Tất nhiên, những tháng ngày lăn lộn trên giang hồ với biết bao trận thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm diễn ra ác liệt. Nhiều lần khuyên van con phục thiện nhưng Hữu không nghe, người mẹ đã từng đau xót từ con. Từ đó Hữu tách hẳn gia đình, lập băng mới hoạt động tại các bãi khai thác vàng. Cũng ở đó, băng “Ánh Sáng” mà Hữu lập ra thường xuyên phải sát phạt, đánh lộn với các băng nhóm khác.

2. Mười mấy năm sống trong giới giang hồ, đến năm 24 tuổi, niềm trăn trở bấy lâu về thân phận và cuộc đời đã quặn trỗi lên trong con người ấy: Đó là từ những cuộc vui, những diễn biến dồn dập... để lại dấu ấn trong Hữu nỗi ám ảnh về những cái chết bất đắc kì tử của những đứa bạn do bị chém chết. Từ đó cũng đã gợi cho Hữu sự băn khoăn đi tìm ý nghĩa cuộc đời. “Hoạt động trên giang hồ là vậy nhưng rồi tôi cũng ý thức được mình phải có cái nghề để mà sống” - sư Chơn Hữu tâm sự.  

Trong lúc rót nước mời khách, tôi thấy bàn tay trái của ông bị mất một ngón tay. Kể lại kỉ niệm trong một lần muốn trải nghiệm cái đau đớn về thể xác và tinh thần, sư nói: “Có một lần suy nghĩ về sự bế tắc của bản thân, trong men say, tôi đã đưa lên miệng cắn ngón tay của mình”. Nhưng làm sao răng có thể làm đứt lìa được, nó chỉ làm gãy nát xương đốt ngón tay. Và người thanh niên ấy đã dùng dao chặt đứt luôn ngón tay mình. “Năm ấy 24 tuổi, tôi chỉ thấy rằng nỗi đau thể xác rồi sẽ lành nhưng tinh thần thì luôn đau nhói mãi”. Sư Hữu nói bằng giọng dứt khoát. Điều đó có nghĩa là khi đó, con người giang hồ ấy vẫn còn tồn tại tính thiện trong tâm hồn. Rồi Hữu tìm đến những bài thơ để đọc. Trong đó có tập thơ “Chèo vỡ sông trăng” và tập truyện “Người trồng hoa và chàng tu sĩ” của thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Hữu bắt gặp hình bóng của mình trong đó và muốn hướng thiện. Bởi chỉ có hướng thiện mới giúp con người giải thoát khỏi lỗi lầm và thù hận.

3. Đến năm 1999, Hữu từ bỏ thế giới giang hồ, trở về Huế để xin vào tu ở chùa Huyền Không Sơn Thượng. Ý nguyện đó đã được thiền sư Minh Đức chấp thuận bằng hai năm thử thách. Hai năm sau, Hữu được xuất gia và sau này trở thành Tỳ kheo Chơn Hữu. Đến năm 2005, sư được bổ nhiệm về làm giám tự chùa Định Quang, một ngôi chùa bỏ hoang từ lâu.

Hằng ngày sư Chơn Hữu phải đi khất thực, xin hỗ trợ để gây dựng lại ngôi chùa sụp nát, hoang tàn. Nhận thấy con em trong vùng còn nghèo khó, ít có cơ hội được học hành đầy đủ, thầy Chơn Hữu ngày đêm suy nghĩ về tương lai các em, không muốn có em nào giẫm vào vết xe đổ của mình ngày trước. Nghĩ là làm, được sự giúp sức của các giáo viên trong vùng, năm 2008, sư Chơn Hữu xây dựng một phòng học khang trang trong khuôn viên chùa và mời giáo viên giỏi về dạy chữ và dạy ngoại ngữ miễn phí cho các em nhỏ. Để có tiền duy trì lớp học, ngoài đi khất thực, sư Chơn Hữu còn trồng hoa lan và triển lãm ảnh bán lấy tiền duy trì sự học.

Là người thích trồng cây cảnh, đặc biệt là phong lan và hoa súng, sư Chơn Hữu có cả một vườn lan phong phú các chủng loại. Những giò Vanđa tím, những giò lan Vũ Nữ ,Ý Thảo giả hành xanh mướt... đang  khoe sắc bên làn nước trong veo. Hoa sen cũng như hoa súng, lý giải của sư đó là loài hoa mọc dưới bùn mà lên thành những đài hoa trang nhã, thanh bạch. Có đặc tính làm trong nước và lắng đi những cặn bẩn. Hoa lan cũng đẹp thanh thoát và dường như xa lìa chốn trần ai, bụi bặm. Như muốn nói đến nguồn gốc xuất thân của sư cũng đầy thăng trầm.

Giờ thì lớp học của sư Hữu đã thu hút và đào tạo được cả nghìn trẻ em trong vùng, với sự giúp sức của các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh, hàng chục em từ chỗ mù chữ đã đọc thông viết thạo, mà còn biết ngoại ngữ.  Những em khá, giỏi được trao thưởng, học bổng để khích lệ tinh thần học tập.

Sư Chơn Hữu là đại diện, là một tấm gương điển hình cho những người hướng về đường sáng, làm lại cuộc đời. Mỗi người một hoàn cảnh, một kiểu vấp ngã, nhưng để họ là họ, thì chỉ có một cách đứng dậy, bắt tay quy chính. “Tôi là người biết gõ cửa, mở ra cánh cửa cho cuộc đời mình để bước vào”, sư Chơn Hữu chia sẻ. Hương hoa trong sân chùa tỏa ra tinh diệu, thơm ngát.