Từ 15-9: Cảnh sát giao thông được trang bị những loại súng gì khi tuần tra, kiểm soát?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT khi tuần tra, kiểm soát gồm 8 loại súng như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu.

Theo Khoản 3 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA, vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT khi tuần tra, kiểm soát, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành (khoản 4 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA), khi tuần tra, kiểm soát giao thông, CSGT được sử dụng các loại vụ khí, công cụ hỗ trợ gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8.

Như vậy, so với Thông tư 65/2020, từ 15-9 tới, khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT sẽ được phép trang bị và sử dụng thêm 2 loại súng là súng bắn điện và súng bắn lưới.

Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định rõ vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT khi tuần tra, kiểm soát

Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định rõ vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT khi tuần tra, kiểm soát

Bên cạnh đó, Thông tư 32/2023 còn quy định phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ CSGT được trang bị, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 135/2021/NĐ-CP và tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Bộ Công an.

Cụ thể, phương tiện thông tin liên lạc, gồm bộ đàm, điện thoại, máy fax, máy tính lưu trữ, truyền nhận dữ liệu, máy in…Ngoài ra còn có còi, loa, rào chắn, cọc tiêu hình chóp nón, biển báo hiệu, dây căng, đèn chiếu sáng…

Đặc biệt, Thông tư 32/2023 đã quy định cụ thể về việc phát hiện vi phạm hành chính thông qua Hệ thống giám sát. Theo đó, cán bộ CSGT sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:

Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, Tổ Cảnh sát giao thông cho xem tại nơi kiểm soát; nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị…

Về trình tự xử lý kết quả thu thập thông qua Hệ thống giám sát, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan;

Gửi thông yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết vụ việc.

Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an xã, phường, thị trấn, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định…