Từ 1-2: Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Luật Đất đai

ANTĐ - Đó là thông tin được đưa ra trong buổi thảo luận, bàn bạc về sửa đổi Luật Đất đai chiều 15-1, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đó, dự kiến trong 2 tháng, từ  ngày 1-2 đến 31-3-2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tổ chức lấy ý kiến nhân dân cả nước.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu tiên được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13. Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tại phiên họp thứ 13 của UBTVQH, dự thảo Luật này cũng đã được đưa ra xin ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến các nội dung của dự thảo Luật này. Về việc áp dụng bảng giá đất, có 2 loại ý kiến được đưa ra trong dự thảo Luật. Thứ nhất: UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất, không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%. Thứ hai: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Tại phiên họp chiều 15-1, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, khi “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thì Nhà nước phải chủ động trong quản lý thị trường này. Ông cũng bày tỏ băn khoăn nếu thực hiện như 2 phương án đề cập nêu trên, sẽ xảy ra hiện tượng Nhà nước chạy theo thị trường đất, cứ 60 ngày lại phải điều chỉnh một lần sẽ rất vất vả. Còn ở phương án 2, giá đất 5 năm mới điều chỉnh một lần thì lại quá lâu. 

Vấn đề đang tồn tại nhiều tranh cãi nhất, cũng là mấu chốt nảy sinh các khiếu nại, khiếu kiện trong dân liên quan đến đất đai, chính là việc bồi thường khi thu hồi đất và xác định giá đất, giá đền bù đất bị thu hồi. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến, khi thu hồi đất của dân, bồi thường chỗ ở mới cho dân thì cần tính làm sao tiền đền bù và tài sản trên đất tối thiểu phải đảm bảo để người dân có đất và có nhà ở. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hiện nguyên tắc xác định giá đất vẫn mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn tại Khoản 1 điều 27 quy định giá đất đền bù được tính tại thời điểm thu hồi đất, tuy nhiên ở khoản 3 điều này lại quy định khác. Trên thực tế, giá đất được chia thành 3 loại: đất chưa được quy hoạch, chưa được đầu tư có mức giá khác;  khi có quy hoạch thì giá đất đó sẽ khác đi và khi đã đầu tư thì giá lại càng khác. Đấy là chưa kể giá đất còn biến động tùy theo từng thời điểm. 

Cũng liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, việc xác định giá đất đền bù cần phải xem xét kỹ. Thực tế có nhiều dự án năm nay công bố giá đất, nhưng năm sau mới đền bù giải tỏa, khi đó dân yêu cầu đền bù theo giá thị trường, nếu không được giải quyết sẽ nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện… Chủ tịch Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện thêm Dự thảo Luật Đất đai, sớm nhất thì đến sang năm mới có thể thông qua được.

Sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Với Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Luật sửa đổi lần này tập trung mạnh nhất vào cơ chế tài chính, cách chi tiêu tài chính, làm sao để khi luật ra đời phải góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ. Vì vậy, ban soạn thảo cần suy nghĩ và nghiên cứu để thể hiện điều này trong luật. Với Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, hầu hết các ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng phải quy định rõ ràng, minh bạch nguồn Quỹ phòng tránh thiên tai và Quỹ đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân được quy định trong dự thảo Luật. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về việc thành lập, cơ chế đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ.