Trùng tu sai, ai chịu trách nhiệm?

ANTĐ - Có lẽ ít có một cuộc hội thảo về di sản nào mà có nhiều quan điểm thẳng thắn như “Đình làng xứ Đoài - những điều còn mất”. Từ đại diện cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn đến chính những người dân làng sống ngay sát ngôi đình, tất cả đều lên tiếng về một vấn đề chưa bao giờ cũ: Trùng tu hay là…phá!

Trùng tu sai, ai chịu trách nhiệm? ảnh 1Đình Hương Canh (trước) và sau khi trùng tu bỗng xuất hiện một bức bình phong án ngữ trước cổng

“Thảm họa” trùng tu

Hàng trăm tỷ đồng được rót ra để trùng tu các di tích mỗi năm, nhưng cứ sau mỗi lần trùng tu, các di tích lại trở nên méo mó, biến dạng. Câu chuyện trùng tu, tôn tạo di tích, đặc biệt là với đình làng - nơi phản ánh rõ nhất đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt lại càng nhức nhối ở xứ Đoài. Hẳn nhiều người còn nhớ vụ “bức hại” đình Quang Húc, xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội. Cách trùng tu như… phá đã khiến một ngôi đình gần 400 năm tuổi rơi vào tình trạng thảm thương.

35/48 cây cột bị đè ra cưa, nối chân nham nhở, những mảng chạm khắc tinh tế, hiện vật bằng đá bị hạ xuống, thay bởi những mảng chạm mới toanh cẩu thả, vô hồn… Nhớ lại quá trình 5 năm đình Quang Húc trải qua những lần cưa đục, mổ xẻ, phải kêu cứu khắp nơi, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Quang cho biết: “Chúng tôi quá đau lòng khi bước chân vào ngôi đình. Bao nhiêu sự tinh tế, uy nghi vốn có của ngôi đình đều đã mất sạch. Mất không cách gì lấy lại được”. 

Cùng “nỗi khổ” với đình Quang Húc là cụm đình Tam Canh gồm Hương Canh, Tiên Canh và Ngọc Canh nằm ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đình Hương Canh sau trùng tu, một bức bình phong ở đâu được dựng lên, án ngữ trước cửa đình. Tại gian giữa đình có 2 bức họa điêu khắc đối xứng thì sau trùng tu, một bức bỗng nhiên… biến mất. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, ngôi đình Cam Thịnh nằm ở làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây sau những năm dài miệt mài  kêu cứu vì xuống cấp, đến khi có kinh phí tu bổ, tưởng đâu là tin vui thì hóa ra… “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Thiếu chút nữa thì đơn vị thi công đã định dùng gạch để thay… ngói, dùng gạch vữa tạo đường cong trên mái, trong khi đáng lý ra phải lợp  ngói mỏng.


Trùng tu sai, ai chịu trách nhiệm? ảnh 2Đình Cam Thịnh trước đây (trái) đang được tu bổ theo kiểu không giống ai - lấy gạch lợp mái

“Sợi dây” kinh nghiệm “rút” mãi vẫn dài

Không kể đến những vụ việc nghiêm trọng, những công trình trùng tu được đánh giá là mẫu mực như đình Chu Quyến, hay đình Tây Đằng cũng không tránh khỏi những hạt sạn. Nói về đình Chu Quyến là công trình duy nhất đã giành được giải thưởng cao nhất về Bảo tồn di sản của Hiệp hội Kiến trúc sư  quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2010, GS. Trần Lâm Biền cho hay: “Khi tôi đến đình Chu Quyến thì vẫn còn thấy 5, 6 mảng chạm rất đẹp vẫn ở trong kho mà không được lắp lên. Trong khi tứ trụ lại bị thụt vào hàng rào… Kiến trúc đình Chu Quyến là một kiến trúc tốt, tuy nhiên tôi chỉ tán thành 70%”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình làng Việt, đình Tây Đằng từ sau khi trùng tu xuất hiện một vì nóc để chềnh ềnh trong gian chái, trên mái đình. Nhiều khách tham quan, du lịch đến đây không hiểu đây là hiện vật gì. Hỏi ra mới biết đây là bộ vì kèo mới này được phỏng theo bộ vì thế kỷ 16 ở gian giữa đình, nhưng đường nét hoa văn thô, ẩu bởi trình độ tạo tác quá tồi. 

“Vẽ rắn thêm chân” - đó là hiện trạng đang xảy ra ở hàng loạt các di tích, mà ngay cả những di tích quốc gia đặc biệt như đình Tây Đằng vừa nêu trên cũng không nằm ngoài số đó. Việc tàn phá di sản qua việc làm hợp pháp là trùng tu, từ trước đến nay đã ai phải chịu trách nhiệm?  Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH -TT Hà Nội cho biết, cho tới thời điểm này, chưa cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm đối với việc trùng tu sai, mà trách nhiệm phải chịu cho đến giờ cùng lắm là kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Hiện tại, việc quản lý di sản được thực hiện theo mô hình phân cấp, nhưng thiếu chế tài xử phạt, thiếu biện pháp mạnh tay. Thế cho nên, sợi dây kinh nghiệm càng rút lại càng dài.