Lao vào "điểm nóng" di sản, rồi ai cứu?

ANTĐ - Khi di sản lâm nguy, chúng ta thường mổ xẻ, truy cứu trách nhiệm, nhưng mấy ai thực sự lo lắng, còn có thể giữ lại những gì cho di sản. Và, sẽ làm gì đây để cứu lấy di sản vốn đang đứng trước bờ vực của sự sụp đổ. 

Lao vào "điểm nóng" di sản, rồi ai cứu? ảnh 1Đình Quang Húc - một “nạn nhân” của sự trùng tu tùy tiện

Những ngôi đình từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê Việt, là niềm tự hào của biết bao thế hệ “sinh ra từ làng”. Có lẽ bởi vậy mà không khỏi xót xa khi chứng kiến những ngôi đình từ từ rơi vào trạng thái hoang phế, tàn lụi theo thời gian. Triển lãm “Đình làng Việt - Những điều còn mất” mới đây do một cộng đồng những người yêu mến di sản tổ chức, gần như là một minh chứng hùng hồn về sự biến mất đang ngày càng nhanh chóng của di sản tổ tiên để lại.

Chỉ tính riêng trên địa phận huyện Ba Vì, có ít nhất 3 ngôi đình đang là nạn nhân của sự tàn phá, đáng buồn, phần nhiều là do bàn tay của con người. Đình Đông Viên, xuống cấp nghiêm trọng, mái đình xô lệch, các cấu kiện như im lìm trước sự tàn phá của thời gian. Đình Phương Khê - những mảng chạm tỉ mỉ, giàu tinh tế nay được phủ lên một lớp sơn công nghiệp vàng khè, thiếu thẩm mỹ. Đình Quang Húc trải qua trùng tu như… phá, các cấu kiện, chi tiết bị thay thế tùy tiện, các cột trụ bị gia cố, lắp ghép khiên cưỡng… Trước cảnh hoang phế của ngôi đình, chùa, những người yêu di sản ai nấy không khỏi xót xa, thậm chí là tức giận. Nhưng rồi ai sẽ đứng ra “kêu cứu”? 

Báo chí xưa nay vẫn là lực lượng vào cuộc hùng hậu nhất khi một di sản đang đứng trước “bến bờ sụp đổ”. Nguyễn Đức Bình - trưởng nhóm đình làng Việt, người từng đi kêu cứu cho nhiều ngôi đình, chùa bộc bạch, nếu chỉ những người yêu di sản cất tiếng nói thì chắc… không làm nổi, mà phải nhờ có truyền thông, hiện trạng chết mòn của những di sản mới được các nhà chức trách biết tới. Chẳng biết có phải chúng tôi “kêu to” không, mà mới đây ngôi đình Cam Thịnh nằm trong làng cổ Đường Lâm đã được trùng tu, mà theo TS Nguyễn Xuân Diện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì mừng không tả xiết, vì phải đến mới thấy cảnh tượng thảm thương của ngôi đình trăm tuổi, với hàng trăm cột chống được gia cố để đỡ cho mái đình khỏi sập. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích kể rằng, khi sự việc chùa Trăm Gian xảy ra, trong số nhiều cuộc điện thoại của cánh nhà báo gọi điện cho ông bới móc, truy cứu thì chỉ có một cuộc điện thoại làm ông lưu tâm. Nhà báo đó đặt câu hỏi: “Chùa Trăm Gian như thế, liệu còn có thể giữ lại dấu vết cũ không?”. Điều đáng nói, khi di sản lâm nguy, thay vì truy cứu trách nhiệm, lỗi tại ai, sai ở đâu, thì mấy ai thực sự quan tâm đến việc cứu lấy di sản. Và cứu rồi thì phải sửa sai như thế nào? Có lẽ sau những tiêu đề ồn ào như “Quái thú ở lăng Ngô Quyền”, “Cổng đình Kim Liên nhái cổng Chùa Láng”, “Thành Nhà Mạc: Chẳng khác gì cái lò gạch”…, đọng lại đó là nỗi buồn. Chúng ta lao vào những “điểm nóng”, châm ngòi cho những cuộc tranh cãi bất tận, nhưng không ai “chung lưng đấu cật”. Nói như KTS Lê Thành Vinh, nếu mục tiêu của những người làm truyền thông và những người làm công tác bảo tồn đều là “vì di sản” thì có lẽ tốt hơn.  

Có lẽ không phải ngôi đình nào cũng may mắn như đình Cam Thịnh. Trên cả nước hiện nay, không thể đếm xuể có biết bao đình, chùa đang mòn mỏi chờ ngân sách tu bổ, đang đứng trước ranh giới của sự tồn vong cần được giúp đỡ. Chỉ mong rằng mỗi khi có lời “kêu cứu”, dù là từ phía nào, những người yêu di sản, hay những người làm truyền thông cũng sẽ nhận được sự hồi đáp xứng đáng.