Trung Quốc liên tục biên chế tàu khảo sát, khảo cổ, thực nghiệm xuống biển Đông

ANTĐ - Nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm biển Đông, ngoài việc ồ ạt đóng mới tàu chiến, hải quân Trung Quốc còn liên tiếp biên chế các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm khoa học cho Hạm đội Nam Hải. 

Gần đây, hải quân Trung Quốc đã chính thức làm lễ biên chế và đặt tên cho tàu thực nghiệm tổng hợp Lý Tứ Quang tại một quân cảng ở Trạm Giang, đánh dấu thời điểm con tàu này chính thức gia nhập hàng ngũ hải quân Trung Quốc.

Được biết, Lý Tứ Quang là tàu thực nghiệm tổng hợp mới nhất do Trung Quốc tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo. Nó được khởi đóng năm 2012 và hạ thủy vào tháng 11-2013.

Tàu có chiều dài 129,3m, rộng 17m, lượng giãn nước tải đầy 6.086 tấn, được thiết kế với trình độ tự động hóa cao, tính năng kỹ thuật rất ưu việt. Nó được trang bị nhiều loại thiết bị tiên tiến để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu biển.

Trung Quốc liên tục biên chế tàu khảo sát, khảo cổ, thực nghiệm xuống biển Đông ảnh 1

Tàu thực nghiệm hải dương 894 “Lý Tứ Quang” của Trung Quốc trong lễ biên chế

Được biết, “người tiền nhiệm” của tàu Lý Tứ Quang là tàu điều tra hải dương kiểu 636 mang số hiệu 871, nguyên thuộc hạm đội Nam Hải. Đây là tàu đầu tiên được đặt theo tên các nhà khoa học có nhiều cống hiến của Trung Quốc.

Tàu 871 Lý Tứ  Quang là tàu khảo sát tổng hợp biển xa đầu tiên do Phòng 1 - Viện 708 - Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tự thiết kế, Nhà máy đóng tàu Vu Hồ chế tạo và đưa vào hoạt động tháng 8 năm 1998.

Đây là tàu điều tra hải dương khá hiện đại với hệ thống quan trắc, đo đạc biển tầng nước sâu 3 chiều và hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến. Lĩnh vực nghiên cứu, thực nghiệm chủ yếu của nó là khảo sát biển và kỹ thuật hàng hải. 

Trung Quốc liên tục biên chế tàu khảo sát, khảo cổ, thực nghiệm xuống biển Đông ảnh 2

Tàu ngư chính 206 - tiền thân của tàu điều tra hải dương kiểu 636
mang số hiệu 871 Lý Tứ Quang

Đầu tháng 7 năm 2012, trên các trang mạng Trung Quốc rộ lên thông tin con tàu này bị chìm ở gần khu vực Hoàng Sa của Việt Nam. Sau khi bị chìm, trang thiết bị quan trắc, đo đạc và hệ thống điện, điện tử của tàu bị hư hỏng, không có khả năng phục chế, không còn thích hợp cho nhiệm vụ điều tra hải dương. Kể từ đó, con tàu này đã kết thúc sứ mệnh khảo sát biển xa của nó.

Cuối năm 2012, tàu được cho “nghỉ hưu non”, chuyển giao cho Phân cục ngư chính Đông Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, số hiệu là Ngư chính 206. Đến năm 2013, sau khi thống nhất 5 lực lượng chấp pháp biển dưới sự chỉ huy của Tổng cục Cảnh sát biển, nó chính thức trở thành tàu hải cảnh 2506, thuộc Phân cục Đông Hải.

Trước đó, cùng trong ngày 6-8, Trung Quốc đã liên tiếp biên chế tàu khảo sát vật lý địa cầu Hải Dương Thạch Du 721 và tàu khảo cổ đại dương Khảo Cổ 01 cho cho công ty TNHH cổ phần dầu khí Trung Quốc (COSL) và Cục văn vật Quốc gia. 

Trung Quốc liên tục biên chế tàu khảo sát, khảo cổ, thực nghiệm xuống biển Đông ảnh 3

Tàu khảo sát vật lý địa cầu “Hải Dương Thạch Du 721”

Tàu Hải Dương Thạch Du 721 chuyên tiến hành hoạt động khảo sát địa chất, được trang bị nhiều thiết bị công nghệ tối tân nhất nhằm đẩy nhanh tốc độ khảo sát nước sâu, nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu về tài nguyên, tìm nguồn dầu khí hải dương mới tại khu vực biển Đông cho Trung Quốc,

Với cặp đôi Hải Dương Thạch Du 720 và Hải Dương Thạch Du 721, kết hợp cùng với các giàn khoan nước sâu (ví như giàn khoan 981 mà hồi tháng 5 Trung Quốc đã kéo vào hạ đặt trái phép tại vùng biển của Việt Nam) sẽ hình thành một quy trình khép kín chuyên “thăm dò - khai thác” dầu khí hải dương.

Tàu khảo cổ đại dương Khảo Cổ 01 được thiết kế với mục đích chuyên thực hiện nhiệm vụ khảo cổ, bảo tồn di chỉ di vật dưới nước tại các khu vực biển duyên hải, như tuyên bố của Phó cục trưởng Cục văn vật quốc gia Trung Quốc Đồng Minh Khang. 

Trung Quốc liên tục biên chế tàu khảo sát, khảo cổ, thực nghiệm xuống biển Đông ảnh 4

Tàu khảo cổ dưới nước “Khảo Cổ 01” của Trung Quốc

Khảo cổ chính là chiêu trò mới của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo.

Việc đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích biển Đông.

Cho dù là dưới hình thức nào, vì bất cứ mục đích gì, thì việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động nghiên cứu biển tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam, đi ngược lại với “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển” năm 1982 (UNCLOS) và “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông” (DOC).