Các nước đòi chủ quyền biển Đông cùng kiện, sẽ đẩy lùi được Trung Quốc?

ANTĐ -Theo chuyên gia Kazianis, đối với các nước ASEAN, cách phản ứng hiệu quả nhất là tất cả các nước đòi chủ quyền trên biển Đông cùng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Tàu kiểm ngư 951 dập nát, cập cảng Đàng Nẵng

Hơn 50 ngày bám trụ thực địa ngoài Hoàng Sa, tàu Kiểm ngư 951 đã cập cảng Đà Nẵng vào tối ngày 28-6. Tàu Kiểm Ngư 951 từng là biểu tượng “lá chắn thép” Hoàng Sa bị thương tích đầy mình.

Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ thân tàu bị rách nát, nham nhở, mạn trái và phải của con tàu biến dạng hoàn toàn. Bên trong con tàu, các phòng chức năng y tế, bồn chứa CO2, buồng nghỉ của kiểm ngư viên nên bị hư hại nghiêm trọng. Những vết đứt gãy, thủng vỡ cách mép nước rất gần.

Trong thời gian bám trụ thực địa, các kiểm ngư viên phải dùng chăn, gối, nệm, thậm chí cả quần áo hay bất cứ vật dụng nào có thể ngăn nước để bít tạm các lỗ thủng mới có thể tiếp tục bám trụ trên biển.

Tàu Kiểm ngư 951 cùng biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam thường xuyên đối mặt sự hung hăng, điên cuồng đâm va của các tàu hộ tống Trung Quốc. Trung bình thường mỗi ngày có đến 3-4 tàu Trung Quốc theo kèm sát. Hành vi của đội tàu Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Tàu Kiểm ngư 951 bị tàu Trung Quốc đâm hư hại nghiêm trọng

Trước đó, kkhoảng 9 giờ 30 phút sáng 23-6, tàu Kiểm ngư 951 tiếp cận giàn khoan khoảng cách 9,1 hải lý, đã bị hàng loạt tàu Trung Quốc chủ động, túa ra dàn trận truy đuổi, đâm va. Khác mọi ngày, 7 tàu Trung Quốc cỡ bự lần này bao vây tàu Kiểm ngư 951. Sau khi đâm tàu Kiểm ngư 951 Việt Nam hư hại nghiêm trọng, các tàu Trung Quốc không chịu lùi, tiếp tục uy hiếp, ép tàu dạt ra vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 tới 16 hải lý.

Từ sáng 29-6, nhà máy đóng tàu X50 (Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) tất bật kiểm định, sửa chữa tàu Kiểm ngư 951. Hàng chục công nhân, kỹ sư được huy động. Cán bộ chiến sĩ tàu Kiểm ngư 951 phối hợp tháo dỡ hệ thống dây, gia cố các vết đứt gẫy lan can, buộc cố định thân tàu.

Có thể thấy ý đồ Trung Quốc muốn đâm chìm các tàu lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam ngày càng rõ ràng. Tàu Trung Quốc chắc hẳn có sự nghiên cứu kỹ khi cố tình đâm trực diện vào khu vực để đồ chức năng của tàu kiểm ngư, trong đó có khoang chứa bình CO2. Theo kiểm ngư viên Đỗ Thành Lâm, tàu Tân Hải Trung Quốc 285 chỉ cần đâm sâu vào thêm một gang tay nữa thôi thì các bình CO2 sẽ phát nổ. Hậu quả lúc đó sẽ khó lường.

Cán bộ kỹ thuật nhà máy đóng tàu X50 đã tăng ca làm việc, huy động tối đa lực lượng, đảm bảo “trị thương” xong cho tàu trong thời gian sớm nhất. 

Trung Quốc cần thương lượng với các nước ASEAN?

Tờ báo tiếng Anh hàng đầu Thái Lan Bangkok Post, số ra ngày 30-6, khẳng định Trung Quốc cần phải thương lượng với các nước ASEAN để giảm căng thẳng trên biển Đông.

Theo Bangkok Post, trong một tháng qua, Bắc Kinh liên tiếp chủ động gây căng thẳng và xung đột, đặc biệt với Việt Nam. “Công cụ chủ yếu của Trung Quốc để gây hấn là một giàn khoan. Đó có thể là một công cụ "ngoại giao" kỳ lạ trên biển, nhưng Trung Quốc đang sử dụng thứ vũ khí đặc biệt này để thực hiện các mục tiêu của mình”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng luôn thủ sẵn những tấm bản đồ... mới in để “chứng minh” rằng giàn khoan của CNOOC hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc, và phương thức tiêu chuẩn của Trung Quốc để đối phó với những bất đồng là phớt lờ, từ chối thảo luận hoặc dùng vũ lực để đối phó.

Tàu Trung Quốc hoạt động phi pháp trên vùng biển Việt Nam

Tờ báo Thái Lan nhận định các hành động của Trung Quốc đã tạo ra một tình huống cực kỳ nguy hiểm và chỉ rõ ra rằng Bắc Kinh đã điều tàu chiến tới bảo vệ các giàn khoan, hoàn toàn trái ngược với những gì chính phủ nước này tuyên bố.

“Mục tiêu rõ ràng của chiến lược "ngoại giao tàu chiến" thế kỷ 21 này là Việt Nam và Philippines. Hàng loạt vụ bạo lực đã xảy ra. Hải quân Trung Quốc đã nhiều lần tấn công tàu Việt Nam. Trung Quốc cần từ bỏ chiến lược ngoại giao giàn khoan cứng rắn để đàm phán thực tiễn. Chỉ có đàm phán với các nước ASEAN mới có thể tạo ra cách giải quyết tranh chấp” - Bangkok Post khẳng định. 

Trong khi đó, báo Mỹ Washington Post vừa đặt câu hỏi liệu tấm bản đồ “đường 10 đoạn” của Trung Quốc có khả năng dẫn tới chiến tranh trong khu vực?

Các nước đòi chủ quyền biển Đông nên cùng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Giới quan sát quốc tế nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển Việt Nam và công bố bản đồ “đường 10 đoạn” cho thấy Bắc Kinh âm mưu thay đổi nhận thức của quốc tế về chủ quyền trên biển Đông.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest và trang web của Viện Chính sách Trung Quốc thuộc ĐH Nottingham (Anh), nhà phân tích Harry Kazianis đánh giá kế hoạch của Trung Quốc rất dễ hiểu. Thay vì dùng sức mạnh quân sự có thể dẫn tới chiến tranh, Bắc Kinh dùng giàn khoan và bản đồ để đạt được các mục tiêu chiến lược. “Đối với Trung Quốc, chiến lược này không chỉ nhằm thay đổi thực trạng trên biển mà còn nhằm thay đổi nhận thức của quốc tế về các tranh chấp chủ quyền” - chuyên gia Kazianis nhận định.

Tấm bản đồ phi lý của Trung Quốc bị nhiều nước bác bỏ

Theo chuyên gia Kazianis, đối với các nước ASEAN, cách phản ứng hiệu quả nhất là cách mà Philippines đã làm. Đó là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Một chiến lược tốt hơn tất cả là các nước đòi chủ quyền trên biển Đông cùng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. “Hãy gọi đó là đơn kiện lớn nhất trong lịch sử. Đó có thể là cách duy nhất các nước bị Trung Quốc đe dọa chống trả lại. Pháp luật là con đường duy nhất để đạt được mục tiêu này” - chuyên gia Kazianis nhấn mạnh.

Mới đây, khi Trung Quốc công bố bản đồ “đường 10 đoạn”, Chính phủ Philippines đã tuyên bố: “Đường 9 đoạn hay 10 đoạn cũng chẳng có nghĩa lý gì, bởi tất cả các tuyên bố chủ quyền quá đáng và vô lý của Trung Quốc sẽ bị bác bỏ”. Manila cũng khẳng định bản đồ mới của Trung Quốc không ảnh hưởng đến việc nước này kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Trong khi đó, Ấn Độ cũng chỉ trích dữ dội bản đồ của Trung Quốc. Bởi tấm bản đồ mới này không chỉ "nuốt trọn" biển Đông mà còn vơ luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Chính quyền New Delhi khẳng định bản đồ trên “không thể thay đổi hiện trạng” và thực tế rằng bang Arunachal Pradesh thuộc về Ấn Độ.

Hai năm trước, bản đồ “đường 9 đoạn” in trong hộ chiếu Trung Quốc cũng đã gây một cơn bão ngoại giao, bị các nước khu vực như Ấn Độ và Việt Nam phản đối kịch liệt.