Trung Quốc dừng thu mua, giá lợn hơi chạm đáy

ANTD.VN -  Khoảng 1 tháng nay, do phía Trung Quốc đột ngột dừng thu mua lợn mỡ (lợn trọng lượng lớn), giá loại hàng này tụt dốc thê thảm, có nơi chỉ còn 30.000 đồng/kg lợn hơi.

Việt Nam sẽ làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán xuất khẩu lợn chính ngạch

Vào dịp cuối năm, phía Trung Quốc thường có nhu cầu tiêu thụ lượng lợn mỡ (trọng lượng 100kg trở lên) khá lớn. Nắm bắt thông lệ này, người chăn nuôi trong nước cách đây vài tháng đã đổ xô nuôi lợn mỡ để xuất khẩu. Có thời điểm, phía Trung Quốc thu mua nhiều, giá lợn mỡ còn cao hơn cả lợn siêu nạc tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đáng tiếc, dịp cuối năm nay lại không như vậy.

Thị trường bó hẹp

Tết Nguyên đán 2017 đã đến gần nhưng không khí tại một số vùng quê chuyên chăn nuôi lợn lại khá trầm lắng. Nguyên do bởi giá lợn mỡ khoảng 1 tháng trở lại đây giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi. Từ các địa phương chăn nuôi lớn ở miền Nam như Bình Dương, Đồng Nai đến miền Trung và miền Bắc như Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam… đều rơi vào tình cảnh này. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi ở Đồng Nai hiện còn 30.000 - 34.000 đồng/kg thay vì trên 40.000 đồng/kg như trước...

Theo phân tích của một số chuyên gia chăn nuôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, hồi giữa năm nay, do nguồn cung thiếu, giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng cao. Các thương nhân nước này nhân cơ hội ấy không chỉ mua lợn từ Việt Nam mà còn đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ những nước chăn nuôi phát triển. Do lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu khá dồi dào nên giá thịt lợn ở Trung Quốc đã giảm mạnh, kéo theo giá thu mua lợn ở Việt Nam giảm.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, để phía Trung Quốc đồng ý nhập khẩu lợn chính ngạch thì phía Việt Nam cũng sẽ phải “mở cửa” một vài mặt hàng nông sản cho họ theo kiểu “có đi có lại” 

Ông Nguyễn Kim Đoán thông tin, thông thường, lượng lợn xuất đi Trung Quốc chiếm khoảng 40% lượng lợn xuất chuồng ở Đồng Nai. Bởi vậy, khi Trung Quốc ngừng mua, 40% sản lượng nói trên dồn cả về TP.HCM, tạo ra tình trạng mất cân đối cung - cầu rõ rệt, khiến cho giá lợn giảm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, giá lợn hơi tại miền Bắc và một số tỉnh Đông Nam bộ đã chạm đáy.  “Có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hiện số đầu lợn hơi đang rất cao.

Cụ thể, cả nước hiện có  29,1 triệu con, tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ đang bị bó hẹp. Hơn 1 tháng nay, phía Trung Quốc đã chỉ đạo các tỉnh giáp biên giới với nước ta giám sát chặt chẽ việc nhập lợn qua các đường tiểu ngạch, do đó, các thương lái xuất lợn sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Văn Trọng nói.

Thực tế, tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần song nông dân vẫn không rút được kinh nghiệm. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện nay, người dân chủ yếu chăn nuôi theo lối tư duy cũ mà chưa có sự liên kết theo chuỗi bền vững. Nông dân tự xây trang trại, cố gắng nuôi thật nhiều lợn, năng suất thật cao, còn đầu ra thế nào, giá cả ra sao lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Tình trạng được giá ồ ạt tái đàn, tụt giá lại bỏ chuồng trại cứ lặp đi lặp lại bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Sẽ đàm phán để xuất khẩu chính ngạch

Tuy vậy, để tháo gỡ khó khăn này cho nông dân, lãnh đạo Cục Chăn nuôi thông tin, vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch trình Chính phủ cho phép sang làm việc với phía Trung Quốc, nhằm thỏa thuận việc hợp tác xuất khẩu lợn chính ngạch. Tuy nhiên, để đàm phán sao cho hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích giữa hai bên thì cần phải có thời gian.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, để phía Trung Quốc đồng ý nhập khẩu lợn chính ngạch thì phía Việt Nam cũng sẽ phải “mở cửa” một vài mặt hàng nông sản cho họ theo kiểu “có đi có lại”. 

Liên quan đến việc xuất khẩu thịt lợn đi các nước khác, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, bài toán này đã được các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế nói đến rất nhiều. Nhưng hiện nay, giá thành thịt lợn ở nước ta đang cao hơn nhiều nước khác. Trong khi đó, chất lượng thịt lại chưa cao, việc kiểm soát dịch bệnh còn hạn chế.

Các nước phát triển chăn nuôi theo chuỗi nên chi phí, giá thành thấp, khiến thịt lợn của Việt Nam rất khó cạnh tranh. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp trong nước còn nhập khẩu thịt lợn của Mỹ về để chế biến vì giá “mềm” hơn giá trong nước.