Cảnh báo hiện tượng Trung Quốc mua cá tra non

ANTD.VN - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đến hết tháng 9-2016, tổng sản lượng cá tra thu hoạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt 860,9 nghìn tấn. Ước tính, quý IV-2016 chỉ còn chưa đầy 300 nghìn tấn cá nguyên liệu. Như vậy, dự kiến, các doanh nghiệp cá tra trong nước sẽ thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu.

Cảnh báo hiện tượng Trung Quốc mua cá tra non ảnh 1

Người dân thu hoạch cá tra sớm do thương lái Trung Quốc tìm mua

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2016, tổng diện tích nuôi cá tra đạt trên 5.100ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng thu hoạch lại tăng 2,5%. Cùng với đó, số lượng cá giống nuôi ước đạt gần 1,4 tỷ con, giảm tới 11% so với cùng kỳ năm 2015.

Sản lượng thu hoạch tăng, diện tích nuôi giảm, thiếu cá giống… là những yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng. Nhiều doanh nghiệp dự đoán, từ nay đến hết tháng 2-2017, lượng cá tra nuôi tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể không đủ cho chế biến và xuất khẩu. Dự báo, do nguồn cung thiếu nên giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tại tỉnh Đồng Tháp, đến cuối tháng 10-2016, giá cá giống đã tăng 7.000 - 9.000 đồng so với thời điểm 3 tháng trước đó nhưng lượng cá giống ước hụt từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước. Thiếu hụt nguồn cung cộng với thời tiết diễn biến thất thường cũng là những nguyên nhân đẩy giá cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Tiền Giang, cuối tháng 10-2016, giá cá tra nguyên liệu có thời điểm lên đến 21.000 - 22.500 đồng/kg, tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng 9-2016.

Đáng chú ý, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến bị thiếu hụt, theo phản ánh của một số doanh nghiệp tại Cần Thơ, lại xuất hiện hiện tượng thương lái Trung Quốc tìm kiếm và thu mua cá tra cỡ nhỏ từ 350 - 400 gram/con (cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải có trọng lượng 800-900 gram/con).

Trước hiện tượng thương lái Trung Quốc đang gom cá nhỏ giá cao, nhiều chuyên gia thủy sản khuyến cáo về “kịch bản” từng xảy ra giữa năm 2016. Khi đó, thương lái Trung Quốc lùng sục mua cá tra thương phẩm loại lớn, quá khổ. Nhiều bà con đã tăng nuôi để bán nhưng đến lúc thu hoạch thì họ ngưng mua, cá quá kích cỡ lại không thể chế biến cho các thị trường khác khiến nông dân điêu đứng. 

Dự báo, trong quý IV-2016 và quý I-2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng thêm từ 15-30% so với cùng kỳ năm 2016.