Trụ cột thì phải vững

ANTĐ - Tại hội nghị quốc tế về kinh nghiệm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững mới diễn ra, các tham luận chỉ ra rằng, không thể có một mô hình tăng trưởng chung cho mọi quốc gia. Song kinh nghiệm của các nước Đông Á và Mỹ Latinh cho thấy, mô hình nào cũng cần được xây dựng trên bốn trụ cột: bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, bền vững về môi trường và gắn kết giữa tái cấu trúc kinh tế với hội nhập quốc tế.

Tăng cường tính cạnh tranh là bước đầu tiên trong cuộc hành trình hướng tới phát triển bền vững. Kinh nghiệm chứng tỏ, nếu tăng trưởng dựa quá nhiều vào xuất khẩu, trông cậy chủ yếu vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động giá rẻ, chắc chắn không thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, từ kinh nghiệm quốc tế có thể dự báo quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ phải thực hiện trong nhiều năm với không ít khó khăn và thách thức.

Đánh giá những thành quả đổi mới hơn 25 năm qua và bước đầu bắt tay chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, nhiều đại biểu thẳng thắn khuyến nghị, sức mạnh của từng doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn làm nên sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay cần phải áp dụng những giải pháp mạnh tay hỗ trợ doanh nghiệp, giảm bớt sức ép hàng tồn kho, sức cạnh tranh, coi như liệu pháp “cấp cứu hồi sức”. Một trong những giải pháp tức thời như một liều thuốc mạnh là Quốc hội vừa thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng với khá nhiều ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Theo đó, từ ngày 1-1-2014 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức thuế suất 25% hiện nay xuống 22% và 20% từ ngày 1-1-2016.

Mặc dù mức thuế suất chỉ giảm nhẹ nhưng cộng đồng doanh nghiệp như trút được gánh nặng, được tiếp thêm nguồn sinh lực trong tình cảnh sắp kiệt sức. Như vậy, Nhà nước đã chấp nhận giảm thu ngân sách trong ngắn hạn để vực dậy hàng trăm ngàn doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tái đầu tư, phát triển sản xuất. Một số đại biểu Quốc hội kiến nghị áp dụng thống nhất mức thuế suất phổ thông 20% ngay từ ngày 1-7 tới. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, ngay khi áp dụng theo dự thảo Luật vừa được Quốc hội thông qua thì nguồn thu ngân sách nhà nước đã giảm khá lớn. Trong bối cảnh ngân sách hết sức eo hẹp, nếu tiếp tục giảm mạnh mức thuế suất, chắc chắn ngân sách nhà nước sẽ nghiêng lệch trầm trọng.

Cùng với quyết định giảm mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị áp dụng ổn định thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội. Áp dụng thuế suất này sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân thu nhập trung bình và thấp có được nơi sinh sống ổn định lâu dài. Trong bốn trụ cột mô hình tăng trưởng bền vững, trụ cột nào cũng phải vững, bởi một trụ yếu tất sẽ khiến cho các trụ khác yếu theo.