Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách

ANTD.VN - Hàng nghìn du khách đã có dịp thưởng thức màn trình diễn tái hiện nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Tứ Phủ tại lễ hội Đền Cô diễn ra tại Tân An, Lào Cai. 

Lễ hội Đền Cô vừa diễn ra tại xã Tân An, huyện Văn Bàn, Lào Cai thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân và khách thập phương. Đây là lần đầu tiên Sở VHTT&DL, UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai đứng ra tổ chức lễ hội độc đáo này.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt của lễ hội là người dân và du khách thập phương đã được “mục sở thị” màn trình diễn nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Tứ Phủ của đạo Mẫu Việt Nam. Đại diện Ban tổ chức cho biết, các giá hầu được lựa chọn trình diễn lần này trên cơ sở phù hợp với không gian của lễ hội và của các bản hội thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam.

Màn trình diễn tái hiện nghi thức hầu đồng tại lễ hội đã lần lượt giúp người xem hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng giá hầu trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ của đạo Mẫu. Ở đó, sự kết hợp giữa âm nhạc, trang phục và các động tác biểu diễn đã giúp du khách có dịp hiểu thêm các tích chuyện gắn với từng nhân vật trong mỗi giá hầu.

Nhiều du khách bày tỏ sự hào hứng khi được xem phần trình diễn đặc sắc trên trong không gian lễ hội. Qua đó giúp mọi người phần nào cảm nhận được sâu sắc về bề dày lịch sử văn hóa Việt.

Cũng tại khu vực khuôn viên Đền Cô, xã Tân An nơi diễn ra lễ hội năm nay còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa khác, trong đó có việc trưng bày tranh và trang phục thờ Mẫu do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng thuộc Hội Văn nghệ dân gian tổ chức.

Trước đó, lễ hội Đền Cô đã được khai màn với nghi thức truyền thống là kiệu rước Cô sang đón ông Hoàng Bảy từ đền Bảo Hà sang đền Cô. Sau khi hành lễ xong, người dân lại kiệu rước Cô đưa Ông trở về Đền Bảo Hà. Tương truyền, ngày lễ chính Đền Bảo Hà 17-7 (Âm lịch) là ngày giỗ Ông Hoàng Bảy, vì là mối quan hệ cha con nên nhân dân đã kiệu rước Cô sang Đền Ông Bảy từ chiều hôm trước và sau khi hành lễ giỗ Ông xong nhân dân rước Cô trở lại Đền.

Theo các tài liệu, lễ hội Đền Cô Tân An đã có từ lâu đời, được nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ đến công lao của Công chúa Thượng Ngàn cùng các vị thánh, thần đã có công trong cuộc đấu tranh giữ nước, xây dựng quê hương.

Lễ hội đền Cô là lễ hội dân gian nhằm phụng thờ Công chúa Thượng Ngàn cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ của Đạo Mẫu Việt Nam. Trong đó, Đền Cô Tân An là nơi thờ Công chúa Thượng Ngàn – bà là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn cai quản 81 cửa rừng, hang động của miền núi rừng, đồng bằng. Điều này đã được ghi rõ trong bản Sắc phong của Vua Khải Định năm thứ 9 ban cho trấn Bảo Hà.

Theo ông Phan Trung Bá - Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai, thì việc tổ chức Lễ hội Đền Cô, xã Tân An, huyện Văn Bàn, góp phần quảng bá du lịch tâm linh trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.

Cũng theo ông Phan Trung Bá, trải qua bao thế kỷ tồn tại với nhiều thăng trầm nhưng Đền Cô Tân An vẫn luôn là điểm tín ngưỡng mang đặc trưng của hệ thống các điểm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Sự xuất hiện của các di tích là các đền thờ Mẫu cũng đã trở thành cột mốc văn hóa tâm linh điển hình, khẳng định chủ quyền của quốc gia.

Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách ảnh 4

Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Bàn Phạm Toàn Thắng đánh trống khai hội.

Để tổ chức lễ hội này, UBND huyện Văn Bàn đã huy động cộng đồng dân cư các dân tộc trên địa bàn huyện tập luyện trong nhiều ngày qua. Đây là lễ hội dân gian nên Ban tổ chức lễ hội mong mỏi cộng đồng dân cư tham gia sâu hơn để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, các tập tục văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai chia sẻ, huyện Văn Bàn nổi tiếng với các đền thờ và nhiều sản vật địa phương do chính người dân làm ra như: gạo, trà, hồng không hạt, măng, quế… Vì vậy, việc tổ chức lễ hôi cũng là dịp để người dân giới thiệu các sản vật của địa phương.

Đại diện Sở VHTT&DL Văn Bàn cho biết, Sở dự định sẽ cùng với huyện Văn Bàn đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị lữ hành để quảng bá, giới thiệu các nét giá trị văn hóa độc đáo và ý nghĩa thông qua những lễ hội như lễ hội Đền Cô, từ đó thúc đẩy sự phát triển của du lịch Lào Cai. 

Cùng xem thêm một số hình ảnh đặc sắc của lễ hội:

Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách ảnh 5

Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách ảnh 6

Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách ảnh 7

Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách ảnh 8

Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách ảnh 9

Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng nghìn du khách ảnh 10