Tri thức và nhân cách đều phải tự thân

(ANTĐ) - Sau khi Báo ANTĐ số ra ngày 20-6 có đăng bài: “Trường quốc tế hay trường trong nước?” phản ánh tình trạng nhiều bậc phụ huynh băn khoăn lựa chọn cho con em mình học trường quốc tế hay trường công lập, toà soạn đã nhận được nhiều thông tin phản hồi từ phía phụ huynh và các nhà khoa học về vấn đề này…
Tri thức và nhân cách đều phải tự thân ảnh 1
Học làm người là quan trọng nhất
Ở trên thế giới, 2 hệ thống giáo dục là trường công và trường tư tồn tại song song, nhưng hệ thống trường tư có ưu thế hơn do không bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện, quy định nên lựa chọn, thu hút nhiều giáo sư về hưu vừa có chuyên môn giỏi vừa có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, trường tư còn được các tập đoàn lớn đầu tư các phòng thí nghiệm, trang thiết bị giáo dục nên có cơ sở vật chất tốt hơn. Do đó, để vào được các trường tư, học sinh không chỉ có điều kiện về kinh tế mà còn phải có lực học tốt. Thời gian qua, ở nước ta một số trường tư đã được thành lập song do không có đủ các điều kiện cần thiết nên nhanh chóng phải đóng cửa. Trước tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm định chặt chẽ về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên… và các điều kiện cần thiết khác xem có đủ điều kiện mở trường tư không thì mới cho phép thành lập đồng thời kiên quyết đóng cửa đối với những trường không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó các bậc phụ huynh trước khi quyết định cho con vào học trường nào cần tìm hiểu kỹ về môi trường giáo dục cũng như chất lượng giảng dạy tại đó. Trong hệ thống giáo dục nước ta, 2 hệ thống trường công và tư bình đẳng nhưng không có nghĩa là chất lượng như nhau. Theo tôi, chương trình học của trường công hiện nay so với các nước khác trong khu vực không những nặng mà còn thấp, bắt học sinh phải nhớ những điều mà ngay cả thầy cô giáo cũng không thể nhớ được. Riêng với môn Sinh học, chương trình giảng dạy của nước ta không giống nước nào bởi hầu như mọi kiến thức ở bậc đại học đều đưa vào chương trình phổ thông. Ví dụ như với Nepan, tuy là nước nghèo nhưng có nền giáo dục khá tiên tiến, học sinh tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm và chỉ phải học khoảng 4 môn cơ bản theo ngành học của mình. Do đó các em nắm khá sâu kiến thức nên việc học thêm, dạy thêm là không cần thiết. Một số quan điểm cho rằng trường tư không chú trọng giáo dục văn hóa Việt Nam là không đúng, vì chương trình học của các trường này phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, học sinh không chỉ học văn hóa mà phải học làm người. Và theo quan điểm của cá nhân tôi, việc học làm người là quan trọng nhất !
Giáo sư  Nguyễn Lân Dũng
Tri thức và nhân cách đều phải tự thân ảnh 2
Lãng phí không cần thiết
Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con mình trở thành người xuất sắc nhất và tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Tôi cho rằng đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng và dễ dàng có thể hiểu được, nhất là trong nền kinh tế hội nhập như hiện nay. Song điều tôi băn khoăn chính là chương trình giáo dục mà các trường quốc tế đang áp dụng hiện nay. Mặc dù, không ít trường quốc tế đã mạnh dạn đi theo những con đường mới, nhưng dường như các trường này vẫn chỉ nỗ lực đáp ứng được nhu cầu trước mắt của xã hội như tăng cường tiếng Anh, chăm sóc đưa đón tốt học sinh, tăng hoạt động thể chất… chứ không xây dựng được một chương trình giáo dục thích hợp và tiên tiến thực sự. Một bộ phận người dân có nhu cầu, điều kiện kinh tế cao trong xã hội hiện nay đã khiến các trường quốc tế ngày càng mọc lên nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu này. Nhu cầu muốn con em giỏi ngoại ngữ của nhiều bậc phụ huynh đã “đẩy” các trường quốc tế phải dạy ngoại ngữ tăng cường ngay từ các lớp mầm non, trong khi các em vẫn còn chưa hiểu tiếng Việt. Thậm chí, có trường dạy tới 2 ngoại ngữ. Đây là một kiểu áp đặt theo mong muốn chủ quan của người lớn. Nếu làm phép “cộng cơ học” từng chương trình như một số trường quốc tế hiện nay vẫn công bố liệu các em có bị quá tải theo mô típ các trường công lập trong nước đang mắc phải? Dù áp dụng chương trình quốc tế tiên tiến đến đâu thì điều căn bản để giải quyết sự “áp đặt” vẫn là phải thực sự hiểu sâu sắc được mục tiêu của hệ thống giáo dục mà mỗi trường theo đuổi. Hơn nữa, các mục tiêu này phải xuất phát từ mục tiêu của học sinh, phụ huynh cũng như phù hợp với các nhu cầu của một xã hội đang phát triển và hội nhập toàn cầu. Thực tế cho thấy, không ít trường quốc tế hoạt động theo kiểu thu tiền theo tên gọi, tức là trường quốc tế thì học phí cũng “quốc tế”. Như vậy, đã nảy sinh tình trạng một số trường không phản ánh đúng chất lượng thực tế như tên gọi của nó. Mặc dù, năm nay tôi có con vào lớp 1 và gia đình tôi hoàn toàn có đủ điều kiện cho cháu theo học tại các trường quốc tế nhưng với độ tuổi của cháu, tôi nghĩ rằng chưa cần thiết phải đầu tư “lãng phí” như vậy. Có thể, tôi sẽ lựa chọn một trường công lập trong nước cho cháu ở cấp tiểu học, sau đó sẽ cân nhắc cho cháu học ở cấp học sau tại các trường quốc tế.
Bà Trần Thị Hoa
(Ngõ 127 Văn Cao, quận Ba Đình)
Tri thức và nhân cách đều phải tự thân ảnh 3
Hòa nhập nhưng cần giữ bản sắc
Để chuẩn bị hành trang cho con trở thành những công dân toàn cầu, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, chi phí mà gia đình tôi bỏ ra là không nhỏ, nếu không muốn nói là cả gia tài. Với sức mạnh tài chính, các trường quốc tế có điều kiện tiếp thu được những mặt tốt của giáo dục quốc tế, song cũng phải thừa nhận rằng nó không hoàn toàn phù hợp với điều kiện cũng như chương trình giảng dạy của các trường công lập trong nước. Năm trước, tôi xin học cho con vào lớp 1 tại một trường quốc tế, nhưng thấy cháu thu nhận kiến thức không được là bao so với các cháu khác học tại trường trong nước nên năm nay tôi quyết định cho cháu chuyển sang trường công lập. Song, khó khăn ở chỗ chương trình mà cháu đang theo học tại trường quốc tế lại không đồng nhất với trường công lập mà tôi dự định cho cháu chuyển sang. Ví dụ như: thay vì môn tiếng Việt và cách viết chữ chuẩn được chú trọng nhiều hơn ở các trường công lập trong nước thì các trường quốc tế lại tăng cường môn ngoại ngữ và những môn năng khiếu. Các môn học cũng được sắp xếp theo kiểu giáo dục nước ngoài, học mà chơi, chơi mà học, không đặt nặng kiến thức học sinh thu được mà quan trọng là cách các em tư duy và cảm nhận vấn đề. Từ đó, phản ánh đúng kiến thức thu nhận cũng như sự hiểu biết của từng em về vấn đề đó. Do vậy, theo quan điểm của một số giáo viên nếu con tôi chuyển sang học tập tại các trường công lập trong nước sẽ rất dễ bị hẫng hụt do phải làm quen với kiểu giáo dục áp đặt và nặng về lý thuyết. Cháu sẽ cảm thấy bị áp lực, không theo kịp các bạn và thậm chí phải học lại chương trình lớp 1 vì không có sự liên kết đào tạo giữa các trường quốc tế với một số trường trong nước. Có lẽ đây cũng chính là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm khi đứng giữa 2 sự lựa chọn trường quốc tế hay trường trong nước. Tôi cho rằng, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục toàn diện về tri thức - trí tuệ, nhân cách - tâm hồn và năng lượng - cảm xúc là một điều vô cùng cần thiết không ở riêng môi trường giáo dục nào. Mặc dù giáo viên nước ngoài tại các trường quốc tế khá chủ động trong việc kết nối giữa kiến thức và học sinh nhưng nếu họ không hiểu rõ mục tiêu và đặc thù của học sinh Việt Nam trong nội dung giảng dạy rất có thể sẽ khiến các em dễ bị mất phương hướng, bản sắc riêng của dân tộc mình khi hoà nhập trong môi trường học tập quốc tế từ khi còn quá sớm.
Ông  Nguyễn Quốc Toàn
(Chuyên gia bất động sản)