Trên đỉnh Tản Viên

ANTĐ - Trở lại Tản Viên không vì một nhiệm vụ cụ thể, cũng không hẳn để chiêm ngưỡng những cảnh sắc ngỡ chỉ có ở Langbiang; tôi đến đây, đơn giản vì háo hức muốn được cùng các anh - những chiến sỹ công an làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở miền đất được xem là cao và xa nhất Thủ đô chuẩn bị “đón” tết.

Đồn là nhà, địa bàn là quê hương

Vượt suối, vượt dốc là công việc hằng ngày của những chiến sỹ công an “cắm bản”

Đón tôi ở chân dốc, Đại úy Nguyễn Minh Tú, người đã gắn bó với Đồn Công an Tản Viên từ ngày mới thành lập hồ hởi kể, kế hoạch trực tết đã được đơn vị hoàn tất. Ngoài 1, 2 đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt được nghỉ phép để đón tết cùng gia đình thì 100% cán bộ chiến sỹ còn lại sẽ đón năm mới tại đơn vị. “Do hầu hết anh em đều ở xa, mỗi năm chỉ về quê dăm ba lần nên trong thời khắc giao thừa ắt có người thấy nhớ quê, cũng có người nghe người thân gọi điện chúc tết mà xốn xang, cảm động đến rơi nước mắt. Nhưng với những chiến sỹ làm nhiệm vụ ở đây, đồn đã là nhà, địa bàn là quê hương. Ca tuần tra đêm giao thừa bao giờ cũng mang nhiều ý nghĩa nhất” - Đại úy Tú tâm sự.

Với những chiến sỹ đang công tác tại đồn, cái se lạnh, hanh hao trong những ngày cuối năm không làm vơi đi niềm hân hoan đón chào năm mới. Dù công việc ngập đầu nhưng cán bộ chiến sỹ trong đơn vị vẫn bố trí thời gian để dọn dẹp, trang hoàng nơi làm việc và chăm sóc vườn rau sau nhà. Đặc biệt, các anh còn trồng thêm một cây đào trước sân trụ sở, Đồn trưởng Phương Văn Yên giải thích: “Có năm án xảy ra đúng vào dịp tết. Toàn bộ cán bộ chiến sỹ được huy động tham gia phá án. Ngày truy bắt được đối tượng và hoàn tất hồ sơ để bàn giao cho cơ quan điều tra thì cũng là ngày cuối cùng được nghỉ tết”.

Giờ đây, đời sống cán bộ chiến sỹ Đồn Công an Tản Viên đã được cải thiện nhiều hơn. Dãy nhà cấp 4 lụp xụp năm xưa đã được thay thế bằng ngôi nhà 2 tầng hiện đại. Nhưng như để chia sẻ tình cảm với những cán bộ làm nhiệm vụ, năm nào bà con các dân tộc ít người trên địa bàn cũng mang lá dong, gạo nếp đến chúc tết đơn vị. Ông Lý Sinh Vượng - Chủ tịch xã Ba Vì kể: “Cách đây vài năm (khi Đồn Công an Tản Viên còn là Trạm Công an Tản Lĩnh), vào những ngày ngâu cuối năm, việc nhóm bếp củi để nấu cơm không phải ai cũng làm được. Thương cán bộ khói ám đến toét cả mắt, dân bản lại gùi củi khô, mang bánh chưng, cơm trắng từ nhà đến tặng chiến sỹ”. Ở miền sơn cước này, cán bộ và nhân dân thân thiết đến mức nhiều chiến sỹ “quen hơi”, thích về bản hơn cả về nhà. Như tết vừa qua có những đồng chí quê ở mãi tận Thanh Hóa, Bắc Giang dù được sắp xếp cho nghỉ phép nhưng vẫn tình nguyện ở lại để xuống địa bàn giúp bà con thu hoạch mùa màng và chuẩn bị đón năm mới. Trong suy nghĩ của họ, “cắm bản” không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa tình với đồng bào các dân tộc vùng cao.

Những điều trăn trở

Là địa bàn đặc thù nên ở Đồn Công an Tản Viên cũng có nhiều điều đặc biệt. Lực lượng công an phụ trách xã không đơn thuần chỉ đến địa bàn để nắm thông tin, các anh, các chị còn trực tiếp xử lý các vụ án hình sự, ma túy, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở. Người “lính cắm bản” mà tôi có dịp tiếp xúc là Thượng sỹ Nguyễn Thị Thu - một trong hai nữ cán bộ đang công tác tại đồn. Dù địa bàn Thượng sỹ Thu phụ trách không phải là xã xa nhất của huyện Ba Vì nhưng để đến được thôn cuối cùng cũng mất đến 3-4 tiếng đồng hồ chạy xe máy. Thử đi một lần thì mới biết không chỉ có đường trơn, dốc đá mà còn phải vượt suối, băng rừng. Ngay cả lúc sắp chia tay, tôi vẫn không hiểu vì sao nữ chiến sỹ công an với vóc người mảnh mai ấy lại “thắng” được con đường mà chắc chắn không phải đấng mày râu nào cũng có thể chinh phục.

Sau khi vượt qua cung đường “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, Thượng sỹ Thu kể cho tôi nghe về những “chuyến công tác dài ngày” cùng bà con lên rừng trồng ngô, tìm cây thuốc nam. Mặc dù gắn bó với địa bàn từ ngày mới ra trường nhưng nữ công an phụ trách xã này cũng thừa nhận: “Để hiểu được tiếng dân tộc rất khó, nên muốn giúp bà con dân tộc ít người từ bỏ những thói quen xấu không dễ chút nào”. Thượng sỹ Thu vẫn nhớ như in lần truy bắt một đối tượng người dân tộc Dao trộm cắp tài sản. Tại trụ sở công an, cả ngày đối tượng chỉ nói 2 từ “mai-pây” (nghĩa là không biết). Phải đến khi có sự phiên dịch của một cán bộ cơ sở thì toàn bộ đường dây phạm tội liên quan đến đối tượng này mới bị phát hiện.

Trở lại đơn vị, Thượng sỹ Thu tiếp tục kể cho tôi nghe những lễ hội, trò chơi dân gian sẽ được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán. Nào là hội ném còn, đẩy gậy của dân tộc Mường cho đến lễ hội nhảy, tục hát gọi bạn của dân tộc Dao. Nhưng mùa lễ hội cũng là khoảng thời gian các cán bộ chiến sỹ Đồn Công an Tản Viên vất vả nhất. Từ nhiều ngày nay, gần chục cán bộ đã được tăng cường về các xã vùng xa, trọng điểm. Vì ở đó, rượu là một phần của ngày hội nên những vụ việc liên quan đến rượu say gây rối năm nào cũng xảy ra. Cách đây vài ngày ở xã Yên Bài, một “đệ tử Lưu Linh” sau khi mềm môi đã đập phá nhà cửa, đuổi đánh bố mẹ. Khi lực lượng công an có mặt, đối tượng đã khóa cửa tử thủ, đe dọa sẽ dùng nỏ và súng kíp tấn công bất kỳ ai lại gần. Cùng với việc tiến hành các biện pháp tác động tâm lý, kế hoạch bí mật tiếp cận, khống chế đối tượng nguy hiểm đã được triển khai. Những chiến sỹ ập vào khống chế “ma men” vẫn không thể quên giây phút vật lộn trên sàn nhà. Đối tượng này không chống trả lực lượng công an nhưng gào thét và tìm mọi cách để đập đầu tự tử…

Mải mê nghe chuyện, tôi chợt nhận ra ráng chiều đỏ ối đã đổ xuống bên sườn núi tự lúc nào. Giây phút chia tay vì gió lạnh đang thổi, sương đêm sắp sa hay còn vì một lý do nào khác mà cả khách lẫn chủ đều không nói nên lời. Cái bắt tay thật chặt đã thay lời muốn nói. Tôi nán lại vài giây để ngắm núi Tản buổi chiều tà. Biết đâu trong số những bóng người đổ liêu xiêu trên con đường đất đỏ ngoằn nghèo bên sườn núi lại bắt gặp một ánh mắt, nụ cười đã thân quen.