Kịch tác gia Phạm Văn Quý:
Tre đã già mà măng chưa thấy
(ANTĐ) - Cho dù không ai thúc ép nhưng ông đã luôn dành sự ưu ái cho các chiến sỹ CAND khi xây dựng hình ảnh người chiến sỹ trong nhiều vở kịch như một lực lượng đối trọng với cái ác, giữ yên bình cuộc sống của nhân dân. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả kịch bản “Anh lính cứu hỏa”, Phạm Văn Quý.
Vở kịch “Cuộc chiến không khoan nhượng” |
- PV: Dường như ông luôn dành một tình cảm đặc biệt cho các chiến sỹ CAND?
- Phạm Văn Quý: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và tôi yêu Hà Nội. Vậy nên, việc theo đuổi đề tài về Hà Nội trong sáng tác kịch bản cũng là lẽ thường. Quá trình trải nghiệm cuộc sống, tôi đã được tiếp xúc với nhiều đồng chí công an, được nghe nhiều câu chuyện cảm động ấm áp tình quân dân, về những chiến công lẫy lừng của họ. Hơn nữa, hồi nhỏ tôi cũng là người rất mê các anh hùng võ hiệp, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Nên chẳng biết từ bao giờ, trong tôi luôn đau đáu hình ảnh về những người chiến sỹ trên mặt trận an ninh. Và khi đặt bút viết kịch bản, tôi luôn cố gắng thể hiện tốt nhất về người chiến sỹ công an.
- PV: Với một người viết kịch bản lâu năm, ông thấy đề tài về lực lượng CAND có khó như người ta nghĩ?
- Phạm Văn Quý: Tôi nghĩ, không có đề tài nào khó hơn đề tài nào mà điều quan trọng người viết kịch có truyền tải được hết hồn vía của nhân vật mình định thể hiện hay không. Cuộc chiến đấu của lực lượng CAND bảo vệ cuộc sống của nhân dân nảy ra nhiều sự việc, có nhiều chất liệu để người sáng tác có thể viết. Đây thực sự là một đề tài ngồn ngộn chất liệu. Nhưng cái khó lại nằm ở việc người viết phải biết khái quát từ những sự việc bình thường, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ CAND trở thành một hình tượng trong văn học nghệ thuật. Hay nói đơn giản hơn là người viết phải tìm trong những hy sinh, bề nổi ấy những tâm sự, những trăn trở, cốt cách của người chiến sỹ CAND.
- PV: Lâu nay, người ta thường quan niệm, viết về người chiến sỹ CAND là phải nói đến sự hy sinh trên những mặt trận nóng bỏng. Còn ông thì sao?
- Phạm Văn Quý: Có những sự hy sinh trên mặt trận chiến đấu trực tiếp, nhưng đối với những chiến sĩ công an thì có cả sự hy sinh trong cuộc sống đời thường. Sự hy sinh nào cũng đáng trân trọng và tôn vinh. Nhưng liều lượng đưa vào vở kịch ra sao để hình ảnh người chiến sỹ trở nên thanh cao mà không cứng nhắc. Riêng cá nhân tôi cho rằng, việc khai thác ở góc độ tình cảm con người, phần nội tâm bên trong mỗi người chiến sỹ với trách nhiệm dành cho công việc, với nghĩa tình quân dân cũng đã khiến cho các kịch gia đủ mệt chứ đâu phải cứ đao to búa lớn mới “ra” hình tượng người chiến sỹ CAND kiên trung, một lòng vì dân vì nước.
- PV: Đã có cây bút trẻ viết về đề tài lực lượng CAND nào làm ông thấy ấn tượng?
- Phạm Văn Quý: Đốt đuốc đi tìm kịch gia trẻ vẫn là vấn đề nóng của sân khấu Việt hiện nay. Thế nên, người ta không lạ gì khi thấy các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu về ngành công an chỉ là cuộc so tài của những kịch gia “đầu bạc”. Tre đã già, mà măng chưa thấy đâu.
- PV: Cặp bài trùng Phạm Văn Quý-NSND Lê Hùng có tiếp tục góp mặt trong kỳ Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sỹ CAND lần thứ II” tại Hà Nội diễn ra vào giữa tháng 9?
- Phạm Văn Quý: Tôi và NSND Lê Hùng sẽ cùng nhau đóng góp 2 vở tại kỳ hội diễn này gồm vở kịch nói “Cuộc chiến không khoan nhượng”-Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa) và vở kịch hát “Người thi hành án tử hình”-Dân ca Nghệ An. Đây là một dịp để tôi công bố những tác phẩm văn học được nung nấu qua bao năm về ngành công an có dịp ra mắt khán giả. Và tôi tin rằng, với tài năng và kinh nghiệm dàn dựng của đạo diễn Lê Hùng, hình tượng người chiến sỹ CAND sẽ được truyền tải đến khán giả một cách sinh động và chân thực.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Thu Hương
(Thực hiện)