Trẻ con làm mẹ, dở khóc dở cười

ANTĐ - “Mang thai ở tuổi vị thành niên” là chủ đề của Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay. Làm mẹ tuổi teen, trẻ em gái gặp nhiều rủi ro về sức khỏe, cánh cửa tương lai cũng hẹp lại. Không những thế, cả 3 thế hệ trong gia đình có nguy cơ lâm vào những chuyện phức tạp. 

Tư vấn cho thanh niên tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: Internet

Vừa làm bà, vừa làm mẹ

Chị Đỗ Xuân Trang (Ba Đình) ôm đứa cháu 12 tháng tuổi, ốm nhom ốm nhách trong tay ru ời ợi. Đứa bé sinh non nên thường xuyên đổ bệnh, tháng nào cũng phải đi viện, vừa viêm phế quản, vừa đi ngoài, suy dinh dưỡng độ 3. Cho dù con khóc nhưng con gái chị Trang (16 tuổi) – mẹ của thằng bé vẫn vô tư ôm điện thoại nhắn tin choanh choách. Thi thoảng nó lại cười rinh rích. Chị Trang chỉ còn biết lắc đầu, thở dài. 

Trước đây, do công việc bận rộn nên chị ít có thời gian quan tâm đến con. Khi con gái dậy thì, chị chỉ nhắc nhở qua loa về chuyện giữ gìn vệ sinh, đồng thời răn đe “không được yêu đương linh tinh, hư hỏng, mất đời”. Con chị vâng vâng, dạ dạ nên chị cũng yên tâm. Sáng đi làm sớm, chiều về muộn nên chị cũng ít khi gần gũi con gái, nhưng một sáng chủ nhật, chị nhận ra con mình lên cân, bụng chướng lớn. Hỏi chuyện kinh nguyệt của con thì thấy con bảo đang bị mất kinh. Chị đưa con đi khám phụ khoa. Bác sĩ đã chẩn đoán con chị “có thai 5 tháng”. Chị như rơi xuống vực thẳm. Chị mắng chửi con không tiếc lời, cho rằng con hư hỏng, đổ đốn, là đồ mất dạy. Nghe mẹ mắng, con gái chị khóc lóc, rồi bỏ vào phòng tắm, cắt cổ tay tự tử. May mà người nhà phát hiện kịp. 

Sợ con dại dột, chị Trang lại tìm đến nhà “tác giả” của bào thai để đòi “thằng trời đánh phải chịu trách nhiệm”. Chị bắt gia đình nhà trai phải cưới hỏi đàng hoàng, nếu không thì sẽ kiện ra tòa về tội “Giao cấu với trẻ vị thành niên”. Đám cưới không giấy hôn thú vẫn diễn ra rình rang, linh đình. Cô dâu trẻ con cũng khăn gói về “nhà chồng”. 

Con gái chị Trang xấu hổ với bạn bè nên bỏ học, ôm bụng ở nhà. Chồng đã 18 tuổi đang học cao đẳng, vẫn ăn mặc kiểu “hót boy” Hàn, lượn lờ đi học, đi chơi. Vợ chồng trẻ con suốt ngày cãi nhau. Ngày nào chị Trang cũng nghe con gái điện thoại về mách: “Mẹ chồng bắt dọn phòng”, “thằng ấy đi chơi điện tử”, “nó chửi con là đồ vô học”, rồi chuyện nghén ngẩm, mệt mỏi. Bà “thông gia” cũng suốt ngày “kiện cáo” con gái chị đi làm dâu mà ngủ 10h không dậy, bảo rửa bát thì sợ gãy móng tay, nói quét nhà thì kêu đau lưng, chỉ ngồi ghếch chân xem ti vi để mẹ chồng hầu. 

Chưa đến ngày ở cữ con gái chị ôm bụng về nhà. Nó khóc lóc, kể lể: “Con mệt mỏi, quanh quẩn ở nhà chán ngán. Thế mà thằng đó còn đi picnic, ôm vai bá cổ mấy đứa con gái khác chụp ảnh. Con chửi nó là đồ đĩ bợm, thế là nó tát con. Con không ở với nó được đâu”. Bà thông gia mệt mỏi: “Chị đón cháu về ít bữa. Chứ bên này, ngày nào hai vợ chồng nó cũng mày tao chửi nhau, xấu hổ với hàng xóm, lại ảnh hưởng không tốt đến cái thai. Tôi vẫn xin có trách nhiệm đầy đủ”. Chị Trang đành phải nghe theo. 

Con gái chị sinh xong, vẫn vô tư ăn ngủ, con khóc cũng không chịu dậy thay tã, cho bú. Có lần, còn đạp con rơi xuống đất. Chị Trang xót ruột, bế cháu về giường mình cho uống sữa ngoài, thay tã lót, chăm bẵm từ lúc cháu lọt lòng đến giờ đã 1 tuổi. Chị luôn nghĩ rằng con gái chị khi bế ẵm, nuôi nấng con sẽ có tình cảm, nhưng con chị càng ngày càng ghét con. Có lúc chị còn bắt gặp con gái nhéo đứa trẻ vì tội “tại mày mà tao phải bỏ học”.  

Đừng ép kết hôn

Ông Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn cho biết, khi con trẻ lỡ mang thai ngoài ý muốn, nhiều cha mẹ nhà gái đã khăng khăng đòi nhà trai phải tổ chức đám cưới, ép duyên “trẻ em” kết hôn. Tuy nhiên, ở độ tuổi vị thành niên (15-19), các em chỉ yêu đương theo bản năng chứ chưa có khả năng chịu trách nhiệm về hành động của mình, chưa biết chăm sóc bản thân nói gì đến việc chăm sóc và chịu trách nhiệm về vợ (chồng) cùng với đứa con đỏ hỏn của mình. “Không nên ép các cháu trở thành “vợ chồng” bằng một đám cưới, nhằm ràng buộc đôi trẻ một cách gượng ép. Việc quàng lên cổ các em gánh nặng hôn nhân và bắt các em thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của người đã kết hôn, sẽ khiến các em dễ rơi vào khủng hoảng, dễ xô xát và cãi nhau. Việc những đứa trẻ làm bố mẹ một cách vụng về cũng sẽ có ảnh hưởng tâm lý không tốt tới cả những đứa con. Việc ép các con cưới giống như thu hoạch lúa non, rất khó có được hạt giống chắc mẩy” – ông Nguyễn An Chất cho biết. 

Theo ông Nguyễn An Chất, nên nhìn nhận việc các em tuổi vị thành niên có thai ngoài ý muốn là một thiệt thòi lớn của các em. Bố mẹ đừng vì sĩ diện của bản thân mà mắng mỏ, sỉ nhục, dồn ép các con đến suy nghĩ và hành động tiêu cực. Có em đi nạo hút thai ở các cơ sở y tế “chui” thiếu an toàn, mất vệ sinh, có thể dẫn đến viêm nhiễm, băng huyết, thủng dạ con, làm mất khả năng làm mẹ, ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc lâu dài của trẻ. Thậm chí, có em có thai, bị cha mẹ mạt sát, người yêu ruồng bỏ, còn có những hành động tiêu cực, làm nguy hại đến tính mạng của bản thân.

“Hãy để đôi trẻ lựa chọn cách sống chung hay sống riêng, nhưng phải đảm bảo có trách nhiệm với nhau và với đứa con. Đồng thời, cha mẹ hai bên cũng hỗ trợ để các con tiếp tục học tập, sớm hoạch định tương lai, sau này trưởng thành, có tiềm lực kinh tế và biết lo toan, chịu trách nhiệm về bản thân. Lúc đó, nếu đôi trẻ vẫn có tình cảm, ý thức được trách nhiệm với hôn nhân, các em sẽ có quyết định kết hôn hay không” - ông Nguyễn An Chất nói.