Trao truyền cho trẻ

ANTD.VN - Đắn đo mãi rồi tôi cũng quyết định mở mấy clip học sinh bắt nạt bạn ở Hưng Yên với Nghệ An cho con gái tôi xem. Nó nhìn qua, vẻ mặt lãnh đạm: “Mấy đứa này bị dở hơi hay sao mà cả đám lao vào đánh một đứa không có khả năng chống cự thế?”.

Trao truyền cho trẻ ảnh 1Học sinh đến trường cần được đọc những cuốn sách hướng lũ trẻ đến với những giá trị như lòng can đảm, sự cao thượng, và tình thương yêu con người

Con gái tôi, một cô bé 11 tuổi, không ngạc nhiên, không phẫn nộ với những hình ảnh đó như tôi đã hình dung. Nó chỉ thấy khó hiểu về việc đánh hội đồng, đánh một kẻ không có khả năng chống cự. Nó khiến tôi phải nghĩ lại về cách nhìn nhận sự việc của mình.

Khi bằng tuổi con gái mình, tôi đi học, và thường xuyên đánh nhau. Khi thì đánh nhau với bạn vì trêu ghẹo nhau quá đà, vì hiểu lầm; khi thì đánh nhau với đám trẻ lạ vì ngứa mắt lẫn nhau; khi thì đánh nhau chỉ vì hơn thua, muốn phân cao thấp, để khẳng định bản thân, tìm kiếm sự tôn trọng... Nhưng, chúng tôi không bao giờ bắt nạt những đứa trẻ yếu thế hơn, và đúng như nhận xét của con gái tôi, tại sao mấy đứa đánh một đứa không có khả năng tự vệ? 

Khi một đứa trẻ đánh một đứa trẻ khác, động cơ bao giờ cũng có một phần là để tìm kiếm sự tôn trọng của đối phương. Nhưng cậy đông để đánh một đứa bạn yếu đuối hơn mình thì lấy đâu ra sự tôn trọng? Có lẽ, những giá trị để tôn trọng con người ở thế hệ của tôi đã khác với lũ trẻ bây giờ.

Ở thời tôi còn đi học, những đứa trẻ dù ngoan hay hư cũng đều đọc những cuốn sách được chọn lọc để xuất bản cho trẻ con, hướng lũ trẻ đến với những giá trị như lòng can đảm, sự cao thượng, và tình thương yêu con người. Vì thế, dẫu đôi khi bản năng tăm tối có xuất hiện thì lũ trẻ vẫn biết xấu hổ với những hành vi hèn hạ, đê tiện như bắt nạt kẻ yếu, ỷ đông hiếp yếu. Điều đó rất khác với lũ trẻ bây giờ, khi điều mà chúng được thẩm thấu qua văn hóa nghe nhìn đa dạng hơn rất nhiều.

Bây giờ, vẫn có những đứa trẻ say mê với “Tốt tô chan - cô bé bên cửa sổ”, với “Những tấm lòng cao cả”, nhưng đa số thuộc từng lời thoại trong các bộ phim siêu anh hùng của Marvel và ngưỡng mộ những nhân vật có khả năng giành được sự tôn trọng nhờ sức mạnh siêu nhiên. Bọn trẻ hả hê khi thấy cả đám siêu anh hùng tập phim nào cũng rủ nhau trừng trị bằng cách đánh hội đồng một nhân vật xấu xí nào đó.

Những anh hùng thời đại được nhồi vào đầu lũ trẻ qua văn hóa đại chúng bây giờ là kiểu siêu anh hùng Marvel, thậm chí như Deadpool nên không thể đòi hỏi lũ trẻ bây giờ tìm kiếm sự tôn trọng bản thân theo cách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thuở xa xưa.

Nhân phẩm không phải thứ tự nhiên mà có, nó được hình thành trong quá trình trao truyền thế hệ, thông qua giáo dục, và đặc biệt là văn hóa đại chúng. Chúng ta đang trao truyền cho thế hệ con cái mình điều gì, nếu không tự nhìn được bản thân mình, hãy nhìn vào mặt bằng văn hóa đại chúng để hình dung.

Lũ trẻ đến trường, ở cái tuổi khao khát khẳng định bản thân, bằng cách này hay cách khác, chúng vẫn sẽ luôn tìm được cách để bắt nạt nhau, đánh nhau bất chấp sự răn đe của bố mẹ, hay nhà trường. Ngày xưa, bố mẹ tôi đương nhiên là cấm đánh nhau, dù thắng dù thua, thế nào cũng cho con ăn đòn. Nhưng tôi vẫn đánh nhau với bạn bè suốt thời đi học. Tôi biết các con mình cũng thế, nên chỉ có thể nhắc chúng nó rằng, tuyệt đối không đánh người bé hơn mình, hoặc không có khả năng đánh lại.

Điều đó, khiến chúng nó ngại đánh nhau hơn. Bởi vì đánh nhau với người có lợi thế hơn mình thì rất khó.

“Ở thời tôi còn đi học, những đứa trẻ dù ngoan hay hư cũng đều đọc những cuốn sách được chọn lọc để xuất bản cho trẻ con, hướng lũ trẻ đến với những giá trị như lòng can đảm, sự cao thượng, và tình thương yêu con người. Vì thế, dẫu đôi khi bản năng tăm tối có xuất hiện thì lũ trẻ vẫn biết xấu hổ với những hành vi hèn hạ, đê tiện như bắt nạt kẻ yếu, ỷ đông hiếp yếu. Điều đó rất khác với lũ trẻ bây giờ, khi điều mà chúng được thẩm thấu qua văn hóa nghe nhìn đa dạng hơn rất nhiều”.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến