Trao trả kỷ vật gốc đi B của nhà thơ Lê Anh Xuân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hồ sơ, kỷ vật gốc của liệt sĩ Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) đã được trao lại cho thân nhân vào ngày 22/7, trong khuôn khổ Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Buổi lễ vừa diễn ra tại Nhà hát Sông Hương, TP. Huế, Thừa Thiên Huế.

Hồ sơ, kỷ vật được trao lại lần này được lựa chọn trong số 72.000 hồ sơ của cán bộ đi B các địa phương ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam, bao gồm nhiều kỷ vật là giấy tờ cá nhân như: Giấy chứng minh, ảnh, thẻ tiết kiệm, Huân chương, Huy chương, bằng khen, giấy khen và những giấy tờ, kỷ vật cá nhân khác để trao trả cho cán bộ đi B và thân nhân cán bộ đi B. Chủ nhân của hồ sơ, kỷ vật là những người có công với đất nước, trong đó có các thương binh, liệt sĩ, người bị tù đày, người có nhiều thành tích trong kháng chiến.

Hồ sơ của nhà thơ Lê Anh Xuân. Ảnh: TTLTQGIII

Hồ sơ của nhà thơ Lê Anh Xuân. Ảnh: TTLTQGIII

Trong đó, hồ sơ của nhà thơ Lê Anh Xuân có Giấy Chứng minh, lý lịch cán bộ, sơ yếu lý lịch, phiếu cá nhân, thẻ cán bộ, quyết định cử công tác, quyết định điều động cán bộ đến Ban Thống nhất Trung ương, phiếu chuyển đến Ban Thống Nhất Trung ương, thư của gia đình đề nghị cho nhà thơ đi công tác B, lý lịch sinh viên…

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó có dữ liệu danh mục và 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B.

Sau khi tiếp nhận, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B. Đồng thời, Trung tâm đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm. Trung tâm còn tổ chức các hoạt động như trưng bày, triển lãm, đăng tin, bài giới thiệu Hố sơ đi B để thông tin đến nhân dân, cán bộ đi B và thân nhân… Đến nay, có khoảng 40% cán bộ đi B, thân nhân đã nhận được bản sao hồ sơ, kỷ vật của mình.

Một số hồ sơ, kỷ vật gốc được trao lại cho các cán bộ đi B và thân nhân đợt này. Ảnh: TTLTQGIII

Một số hồ sơ, kỷ vật gốc được trao lại cho các cán bộ đi B và thân nhân đợt này. Ảnh: TTLTQGIII

Trung tâm mong muốn giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại hồ sơ kỷ vật của mình. Đồng thời, Trung tâm cũng mong muốn được tiếp nhận những kỷ vật chiến trường và kỷ vật sau chiến tranh của những cán bộ đi B để quản lý trọn vẹn những ký ức, kỷ vật xuyên suốt hành trình ra đi và trở về của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà thơ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến), là một chiến sĩ, hy sinh trong đợt tổng công kích đợt 2 Tết Mậu Thân năm 1968 tại mặt trận phía nam Sài Gòn và đã được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp to lớn của mình cho dân tộc.

Trong cuộc đời của mình (1940-1968), Lê Anh Xuân đã sáng tác khá nhiều bài thơ chủ yếu thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, đặc biệt là vùng quê Bến Tre của mình. Những bài thơ: "Nhớ mưa quê hương", "Trở về quê nội", "Gửi miền Bắc"... được độc giả yêu mến. Bài thơ cuối cùng của ông sáng tác năm 1968 "Dáng đứng Việt Nam" được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam. Bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc thành bài hát.