Tránh “đứt khúc” thị trường

ANTĐ - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng, giảm giá tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm nay không có nhiều biến động lớn. Mặc dù xăng dầu tăng giá 2 đợt và có giảm chút ít, giá dịch vụ vận tải tăng theo và một số tỉnh thành tăng giá dịch vụ y tế, song cả 3 yếu tố này không kéo nổi đà suy giảm giá lương thực, thực phẩm. Những năm trước, khi xăng dầu tăng giá, CPI thường được dự báo khó kìm giữ ở mức thấp.

Đánh giá về hiện tượng này, có chuyên gia cho rằng, sở dĩ CPI không nhúc nhích vì mọi lĩnh vực của nền kinh tế đều trong xu thế chững lại. Một chuyên gia khác lại nhìn nhận, CPI giảm nhưng mừng ít lo nhiều. Chỉ số CPI giảm có thể phản ánh giá cả hàng hóa giảm là điều đáng mừng, với hầu hết người tiêu dùng. Ở một khía cạnh khác, mức tăng CPI thấp phản ánh tình trạng tồn kho cao, thu nhập của người lao động giảm sút nên sức mua yếu. Nhận xét về tình hình giá cả 4 tháng đầu năm, Tổ điều hành thị trường trong nước cho rằng, cung cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua không biến động nhiều, giá một số hàng hóa thiết yếu dự báo có xu hướng ổn định hoặc giảm. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quản lý giá và bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, theo ý kiến của một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bình ổn giá và cân đối giá, nhất là giá các mặt hàng nông sản phải bảo đảm lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng thì mới có động lực để thúc đẩy sản xuất. Để bình ổn giá các mặt hàng nông sản cần được thực hiện bài bản hơn, phải có thêm nhiều giải pháp hiệu quả, không nên mang tính phong trào như hiện nay.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào mùa vụ, dịch bệnh, thời tiết. Khi sản xuất, nông dân đều phải mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu giá cao. Đến lúc thu hoạch lại phải qua khâu trung gian, thu mua hoặc phải mang ra chợ bán lẻ là chính. Do vậy, vị ủy viên này đề xuất, ngoài giải pháp như đầu tư mạnh để nâng cấp và phát triển hệ thống chế biến nông, thủy sản và hệ thống tiêu thụ, thì việc bình ổn giá vật tư đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra là cực kỳ cấp bách. Nếu không, bình ổn giá chỉ ở phần ngọn và quá nghiêng lệch, ưu ái cho sản xuất công nghiệp chế biến, tiêu dùng mà xem nhẹ sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi. Hiện nay, việc bình ổn giá các mặt hàng nông sản đang tồn tại những nghịch lý gì? Nghịch lý lớn nhất dễ nhận thấy là, nếu giá giống, vật nuôi, vật tư tăng lên, người sản xuất không có lợi nhuận, song chỉ bình ổn giá với người tiêu dùng và chế biến, tức là chưa đảm bảo cân đối lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng,vô hình trung đã “chặt đứt” một mắt xích rất quan trọng là sản xuất ra nguồn cung cấp cho cả xã hội. Trong nhiều năm qua và ngay trong thời điểm dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát và lây lan, sản xuất thua lỗ kéo dài, “điệp khúc” được mùa mất giá lại tái diễn, nhưng khi giá sản phẩm nhích lên một chút, có cơ hội bù đắp cho người sản xuất thì lại đưa ra bình ổn giá. Như vậy, chỉ đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, người sản xuất chưa bù đắp được và phải chịu thua lỗ.

Đương nhiên, bình ổn giá là công việc không dễ dàng, song theo ý kiến của một số chuyên gia, nên giao cho UBND tỉnh định giá và bình ổn giá ở phạm vi hẹp và phải rất cụ thể. Tránh gây mất cân đối lợi ích cho người sản xuất, nhất là tránh làm “đứt khúc” thị trường.