Tranh chấp vì cách xử lý nửa vời

ANTĐ - Một thửa đất tranh chấp đã 20 năm, trải qua cả chục lần hòa giải, thế nhưng đến nay “cuộc khẩu chiến” giữa các hộ gia đình liên quan vẫn chưa đi đến hồi kết. Điều đáng nói là chính cách giải quyết nửa vời và thiếu nhất quán của chính quyền địa phương đã làm vấn đề ngày càng trở nên rắc rối…

Lối vào thửa đất tranh chấp giữa hai gia đình

Lỗi tại… cái ao

Đó là câu chuyện giữa bà Trần Thị Bằng và ông Đỗ Tiến Gia trú tại tổ dân phố số 2, phường Phú La, quận Hà Đông. Vốn là người cùng làng, từ trước tới nay cả hai gia đình vẫn “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thế nhưng mối quan hệ ấy nhanh chóng đổi chiều khi năm 1996 bà Bằng san lấp ao của gia đình để chuẩn bị xây dựng nhà. Việc san lấp này vấp phải sự phản ứng của người hàng xóm là ông Đỗ Tiến Gia bởi ông Gia một mực cho rằng ao này là do gia đình ông sử dụng.

Việc tranh chấp này nhanh chóng được UBND xã Văn Khê (tức UBND phường Phú La ngày nay) đứng ra phân xử. Để mọi chuyện được thu xếp yên ổn, UBND xã lúc đó đưa ra phương án là thuyết phục bà Bằng để lại chiếc ao cho ông Gia quản lý. Bù lại, xã Văn Khê cam kết sẽ đề nghị với HTX Văn Phú khi xin cấp đất giãn dân sẽ đưa bà Bằng vào danh sách để cấp cho bà một suất đất tại khu vực khác. Gia đình bà Bằng cho biết: “Lúc đó chúng tôi cũng nể cán bộ xã, vả lại cũng muốn giữ hòa khí giữa 2 gia đình nên nhanh chóng chấp thuận. Thế nhưng ai dè cán bộ xã chỉ hứa như vậy để có lợi cho nhà ông Gia chứ bản thân họ không hề thực hiện. Chúng tôi cứ đợi mãi, đợi mãi đến tận 10 năm sau mà thửa đất giãn dân vẫn bặt tăm…”. Về phần ông Gia, sau khi được UBND xã phân xử cho quản lý chiếc ao thì năm 2000, gia đình ông đã đổ đất san lấp rồi xây gian nhà cấp 4. Và từ đây câu chuyện tiếp tục rơi vào một mớ bòng bong...

Do chờ đợi mãi đến tận năm 2006 mà vẫn không thấy Ủy ban xã đả động gì đến việc giao đất giãn dân cho mình, phần vì sốt ruột khi thấy chiếc ao của gia đình bỗng rơi vào tay người khác, bà Bằng đâm đơn ra xã yêu cầu: hoặc Ủy ban xã phải cấp đất giãn dân cho mình như đã hứa, hoặc phải đòi lại cho bà chiếc ao cũ vì đã trót giao cho ông Gia. Tuy nhiên lúc này Ủy ban xã Văn Khê không thể thực hiện lời hứa năm xưa mà chỉ có thể giải quyết bằng cách mời hai bên lên để… hòa giải. Trong thời gian từ năm 2006 đến đầu năm 2013 gia đình bà Bằng và ông Gia trải qua không biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu lần hòa giải, thậm chí đã nhờ cả tòa án phân xử nhưng câu chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.

Vẫn chưa ngã ngũ

Sau gần 20 năm dai dẳng khiếu kiện, ngày 9-1-2013 UBND quận Hà Đông chính thức vào cuộc giải quyết dứt điểm sự việc bằng Quyết định số 82/QĐ-UBND. Văn bản này khẳng định quyền sử dụng đất thuộc về gia đình bà Bằng. Lý do để đưa ra quyết định này, theo UBND quận Hà Đông là, sau khi kiểm tra lại tất cả hồ sơ lưu trữ thì trong sổ mục kê năm 1985 ghi rõ hộ bà Bằng đã kê khai, đăng ký sử dụng đất (tức chiếc ao đã được san lấp) nói trên. Theo Luật đất đai năm 1997 và Nghị định số 30-HĐBT thì bà Bằng tại thời điểm đó là người sử dụng đất hợp pháp. Đến năm 1998 bản đồ đo đạc và sổ mục kê vẫn thể hiện bà Bằng là người đứng tên kê khai sử dụng diện tích đất ao và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Còn phần diện tích tranh chấp ông Gia không đăng ký kê khai sử dụng.

Văn bản của UBND quận Hà Đông yêu cầu ông Gia phải trả lại mảnh đất (tức chiếc ao nói trên) cho bà Bằng và yêu cầu UBND phường Phú La chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT cùng các phòng ban có liên quan yêu cầu ông Gia trả lại đất. Tuy nhiên, sự cố lại xảy ra bởi ông Gia lúc này bỗng lâm bệnh nặng và qua đời sau đó ít lâu. Đến tháng 4-2013 gia đình ông Gia lại cử đại diện gia đình là ông Nguyễn Văn Phú đứng ra tiếp tục giải quyết sự việc. Ông Phú cho biết: “Tôi đã khiếu nại Quyết định của UBND quận Hà Đông lên UBND thành phố Hà Nội, bởi tôi cho rằng cuốn sổ mục kê có dấu hiệu giả mạo. Nếu sổ mục kê đã ghi bà Bằng sử dụng đất ao từ năm 1985 thì tại sao năm 1996 khi giải quyết tranh chấp UBND xã Văn Khê lúc đó lại không đưa ra?”.

Trong khi đó, lý giải cho việc tại sao UBND quận đã có quyết định chỉ rõ UBND phường Phú La phải chủ trì giải quyết theo quyết định của UBND quận mà đến nay phường vẫn không thể tiến hành, ông Nguyễn Khắc Huy – Chủ tịch UBND phường Phú La cho biết: “Sự việc này quá phức tạp. Hiện ở địa phương cũng có vài gia đình đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi chưa thực hiện Quyết định 82/QĐ-UBND của quận bởi gia đình ông Gia đã gửi đơn khiếu nại quyết định này lên thành phố”. Tuy nhiên, việc khiếu nại của ông Phú đã kéo dài từ 4-2013 đến nay đã hơn 1 năm nhưng vẫn không đạt kết quả. Còn UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú La vẫn cứ ngồi chờ một cách thụ động để sự việc, mâu thuẫn trong người dân kéo dài và ngày càng trở nên bức xúc.