Trắng đêm bị ‘thao túng tâm lý’ trong nhà nghỉ, người phụ nữ phải viết 11 bản tường trình để chứng minh không liên quan đến 3 tỷ ‘tiền bẩn’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thêm 1 phi vụ giả danh Công an, gọi điện thoại “thao túng tâm lý” người phụ nữ để chiếm đoạt 500 triệu đồng, đã được Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) ngăn chặn kịp thời.

Hơn 1 ngày sau khi sự việc xảy ra, và ngay cả khi ngồikể lại sự việc bên người thân, chị Trần (36 tuổi, trú ở phường Định Công, quận Hoàng Mai), vẫn chưa…hết run. “Tôi không thể phân định được đâu là Công an thật. Ngay khi chúng nó gọi điện, trông thấy chúng nó mặc quần áo Công an, rồi gằn giọng, tôi đã không làm chủ được nhận thức của mình, làm theo chúng như một cái máy. Rồi cả khi con trai tôi nhắc dừng lại, mà tôi vẫn không làm được…”, chị Trần nhớ lại.

Khuya ngày 19-4, Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai, nhận được trình báo của ông Vũ, về việc con gái ông là chị Trần, đi đâu cùng cậu con trai lớp 11 suốt từ chiều nhưng chưa thấy về. Gia đình gọi điện vào số di dộng, có đổ chuông dài nhưng không ai bắt máy. Tình trạng ấy tương tự với điện thoại di động cậu con trai chị Trần. Một mặt động viên gia đình bình tĩnh, Công an phường Định Cộng ngay trong đêm đã báo cáo sự việc với BCH Công an quận Hoàng Mai, và trao đổi thông tin với một số đơn vị chức năng, đề nghị phối hợp truy tìm.

Không quá khó để đối tượng lừa đảo "chế" lệnh bắt kiểu này

Không quá khó để đối tượng lừa đảo "chế" lệnh bắt kiểu này

Một đêm trắng trôi qua trong thấp thỏm của các thành viên gia đình chị Trần, và vất vả trong công tác tìm kiếm của lực lượng chức năng. Khó hiểu là, tín hiệu điện thoại di động của mẹ con chị Trần vẫn thông, nhưng không ai nhấc máy. Điều mà lực lượng Công an bước đầu làm được để giúp thân nhân chị Trần vơi phần nào nỗi lo, đó là qua rà soát trên diện rộng, cơ quan chức năng chưa ghi nhận thông tin về tai nạn hay dấu hiệu hình sự, liên quan đến mẹ con chị Trần!

6h30 ngày 20-4, điện thoại của bố chị Trần đổ chuông. Tín hiệu gọi qua Zalo. Là chị Trần! “Mắt cháu nó thầm quầng, thái độ hết sức hốt hoảng, bảo gia đình chuẩn bị gấp 500 triệu đồng chuyển vào tài khoản. Lúc nào về cháu nó sẽ trả lại”, bố chị Trần hớt hải đến Công an phường Định Công trình báo về cuộc gọi cỡ 5 giây. Hỏi đang ở đâu cùng con trai? chị Trần không nói. Mục đích chuyển tiền làm gì, chuyển cho ai? Người phụ nữ 36 tuổi ấy cũng lắc. Chỉ một mực giục nhắc người nhà chuyển tiền…

Chưa cần nghe hết nguồn cơn, Thiếu tá Kiều Anh Tuấn – Phó trưởng Công an phường Định Công cắt ngang: “Bị lừa rồi! Gia đình tuyệt đối không chuyển tiền, một đồng cũng không”. Trực tiếp liên lạc lại với chị Trần qua Zalo, nhưng Thiếu tá Tuấn không kết nối được. Dặn dò người thân chị Trần một lần nữa, Thiếu tá Tuấn cùng tổ công tác CAP, phối hợp cùng Đội CSHS Công an quận Hoàng Mai mở cuộc tìm kiếm trên địa bàn phường và các khu vực giáp ranh. 9h30 cùng ngày, một tổ công tác rẽ qua nhà chị Trần để cập nhật thông tin. Lúc này đang có 4, 5 người tập trung, mang theo túi lớn, túi nhỏ…đựng tiền. Sốt ruột cho sự an nguy của người thân, các thành viên đã liên lạc, xoay xở, gom gần đủ 500 triệu đồng!

Một dạng kết nối của những kẻ giả danh Công an để lừa đảo

Một dạng kết nối của những kẻ giả danh Công an để lừa đảo

Trước tình huống này, lực lượng Công an đề nghị bố chị Trần liên lạc lại với con gái, qua Zalo. May mắn, chị Trần nghe điện thoại. “Chị đang bị lừa có biết không. Tôi là phó trưởng Công an phường Định Công đây. Chị đang ở đâu..”:, Thiếu tá Tuấn nói như quát qua điện thoại, và hình như vì vậy đã giúp người phụ nữ bừng tỉnh. “Tôi đang ở 1 nhà nghỉ bên phường Đại Kim. Con trai tôi ở phòng bên. Chúng tôi bị Công an yêu cầu làm việc qua điện thoại suốt đêm qua, họ không cho ngắt liên lạc…”, chị Trần thì thào nói như kiệt sức. Nhưng như vậy là đã đủ. Một tổ công tác lập tức đến địa chỉ chị Trần thông báo. Lúc ấy là 10h. Cánh cửa phòng nghỉ bật mở, và khi các chiến sỹ Công an cầm điện thoại của chị Trần, phía đầu kia, “cán bộ Công an” đột ngột ngắt liên lạc.

…Có lẽ nhiều năm sau nữa, chị Trần sẽ còn nhớ về cuộc dạo chơi…ám ảnh chiều 19-4 của mẹ con chị. Hôm ấy cậu con trai lớp 11 được nghỉ, nên hai mẹ con rủ nhau dạo phố cho bớt áp lực học tập. Rời nhà ít phút bằng xe máy thì chị Trần nhận được điện thoại. Người ở đầu dây xưng là đại diện CQĐT Công an Đà Nẵng, đang điều tra đường dây rửa tiền, liên quan đến chị Trần với số “tiền bẩn” 3 tỷ đồng trong tài khoản. “Bọn lừa đảo đó mẹ, tin làm gì”, cậu con trai chị Trần đã cảnh giác, nhắc mẹ. Bản thân người phụ nữ lúc đầu cũng bán tín, bán nghi. Nhưng đến khi nghe vị “Công an Đà Nẵng” nói trúng ngày, tháng năm sinh, nơi ở…thì chị Trần giật mình. “Thì cứ thử làm theo yêu cầu của anh ta xem sao. Tài khoản của mình lấy đâu ra 3 tỷ đồng”, chị Trần nghĩ vậy, và quyết định chở cậu con trai vào nhà nghỉ P.Đ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), theo đúng hướng dẫn của người đầu dây: “Kiếm nơi nào yên tĩnh để phối hợp công tác điều tra, chứng minh vô tội và tuyệt đối không liên lạc với người thân. Nếu không, sẽ bị thực hiện lệnh bắt, đưa thẳng vào Đà Nẵng!”

“Thao túng tâm lý” là khái niệm mới xuất hiện vài tháng nay. Nhiều người có thể khó hình dung, thậm chí bật cười. Nhưng với chị Trần, khi kể lại sự việc, chị không lý giải nổi, thậm chí, qua 1 ngày trở về nhà an toàn, vẫn chưa…hết sợ.

Đến nhà nghỉ P.Đ, vị “Công an” yêu cầu mẹ con chị Trần phải thuê 2 phòng. Và suốt từ chập tối 19 đến trước 10h sáng 20-4, qua điện thoại di động và một đường link phần mềm mà đối tượng giả danh Công an gửi, bắt mẹ con chị Trần tải, cài vào máy, chúng đã khống chế, kiểm soát toàn bộ hành vi mẹ con chị Trần.

Trắng đêm hôm ấy, chị Trần phải viết tổng cộng 11 bản tường trình; cậu con trai viết 7 bản, để chứng minh vô tội, là không liên quan đến đường dây “tiền bẩn” và số tiền 3 tỷ đồng. Đôi lúc, chị Trần thoáng bừng tỉnh, nhưng lập tức, lệnh bắt đề rõ tên chị được gửi qua điện thoại, cùng “lệnh cử ngay tổ công tác từ Đà Nẵng ra Hà Nội bắt người”, được quát rầm rầm qua máy.

Cùng với bản tường trình, chị Trần đã răm rắp cung cấp số tài khoản và mã OTP cho “các anh Công an”, rồi, một khoản tiền trong tài khoản của chị Trần đã bị các đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt. Thấy ngon ăn, nhóm lừa tiếp tục nâng số tiền bắt chị Trần phải chuyển nộp lên 500 triệu đồng để “chứng minh vô tội, và nếu vô tội sẽ hoàn tiền”.

Chắc chắn, chị Trần sẽ mất nốt số tiền lớn ấy, nếu như trong tài khoản có đủ. Chị đưa ra hướng “đề nghị sự trợ giúp của người thân”, cùng cam kết “không nói rõ cần tiền làm gì và đang ở đâu”, và đã được các đối tượng giả danh Công an chấp nhận…

May mắn cho gia đình chị Trần là đã trình báo sự việc ban đầu với cơ quan Công an, ngay khi mẹ con chị “mất tích”, để từ đó có được những hướng dẫn hết sức kịp thời từ lực lượng chức năng.

Trách chị Trần quả thực vừa dễ, vừa khó! Song câu chuyện này lại thêm bài học đắt giá cho mỗi người dân, là cần tự nêu cao ý thức cảnh giác và thường xuyên nhắc nhau phòng ngừa. Bằng mọi phương thức, thủ đoạn với xu hướng ngày càng tinh vi, tội phạm lừa đảo qua mạng luôn săn tìm, giăng bẫy; và sập bẫy sẽ chính là những cá nhân thiếu cảnh giác, thiếu thông tin, nhận thức…