Tràn lan thuốc giả, kém chất lượng

ANTĐ - Đến thời điểm này, thị trường dược phẩm trong nước cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, chất lượng thuốc thế nào và giá cả ra sao lại là một câu chuyện khác…

Người dân nên mua thuốc tại các hiệu thuốc lớn, có uy tín để tránh thuốc giả


Tràn ngập thuốc kém chất lượng

Chưa bao giờ mật độ phát hiện, yêu cầu thu hồi, ngừng cấp số lưu hành các loại thuốc lại dày đặc như thời gian vừa qua. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã ra thông báo thu hồi 31 loại thuốc (19 lô thuốc nhập khẩu và 12 lô thuốc sản xuất trong nước), rút số đăng ký của 24 mặt hàng (11 mặt hàng thuốc nhập khẩu và 13 mặt hàng do Việt Nam sản xuất) vì không đạt chất lượng. Sở Y tế Hà Nội cũng đã ra thông báo thu hồi trên thị trường thành phố 12 lô thuốc (6 lô thuốc nhập khẩu và 6 lô sản xuất trong nước), 2 lô mỹ phẩm không đạt chất lượng, tiến hành xử lý 7 mẫu dược liệu không đạt chất lượng. Trong số đó có 13 lô thuốc không đạt chất lượng về chỉ tiêu định lượng, 15 lô thuốc không đạt về chỉ tiêu độ hòa tan, còn lại là không đạt các tiêu chí khác như đồng đều khối lượng, giới hạn tiểu phân, hàm lượng nước, nhiễm khuẩn…

ThS. Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội cho biết, sau 1 năm thực hiện Thông tư 04, 09 của Bộ Y tế về giám sát chất lượng thuốc (từ tháng 9-2010 đến 9-2011), Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội đã kiểm nghiệm được 1.473 mẫu thuốc, trong đó có 1.107 mẫu lấy trên thị trường và 366 mẫu do các cơ sở gửi kiểm nghiệm và phát hiện nhiều mẫu thuốc không đạt chất lượng. Cụ thể, qua kiểm nghiệm 350 mẫu thuốc nhập khẩu, phát hiện 12 mẫu không đạt (chiếm 3,4%), tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước không đạt chiếm 1,2%. Đặc biệt, trong số 42 mẫu dược liệu được kiểm nghiệm có đến 12 mẫu không đạt, chiếm 28,6%, có nghĩa cứ gần 3 mẫu thuốc dược liệu lại có 1 mẫu không đạt chất lượng.

Những con số nói trên mới chỉ lột tả được một phần mặt yếu kém về chất lượng của các loại thuốc trên thị trường. Đại diện Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, thực tế có tình trạng, thuốc tại các quầy thuốc, nhà thuốc bán lẻ không đạt chất lượng nhưng khi cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm lại các lô thuốc đó tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thì kết quả thuốc vẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng, chỉ khi mang về kiểm nghiệm mới phát hiện được sai phạm. Bên cạnh đó, các đoàn liên ngành y tế, công an, QLTT thành phố cũng đã kiểm tra, lấy mẫu thuốc để kiểm nghiệm, qua phân tích 42 mẫu đã phát hiện khá nhiều thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn.

Tác hại khôn lường

Theo ThS. Phương, không nên đánh giá chất lượng thuốc qua giá tiền. Thực tế thời gian vừa qua đã phát hiện có cả những loại thuốc rất đắt tiền được dùng phổ biến như kháng sinh zinnat 500mg cũng bị làm giả. Uống phải thuốc không đạt chất lượng có thể gây thêm bệnh nếu như bản thân viên thuốc lại mang các vi khuẩn có hại, mang nấm mốc vào cơ thể. ThS. Phương nhấn mạnh, ngay đến những thuốc đông dược, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu vẫn thường được cho là ít tác dụng phụ, “uống vào không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác”, tuy nhiên nếu các thuốc này được sản xuất từ các dược liệu đã bị chiết hết hoạt chất, không đảm bảo chất lượng, lại được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp, xông lưu huỳnh… thì tác hại đến sức khỏe sẽ khôn lường.

Thị trường dược phẩm Hà Nội là một thị trường lớn và phức tạp, do đó công tác giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc được nhân dân hết sức quan tâm. TS. Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở luôn xác định việc tăng cường phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không có nguồn gốc, thuốc kém chất lượng là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn.

Tuy nhiên để hoàn thành được nhiệm vụ này không hề đơn giản. Nếu như trước đây, thuốc giả được sản xuất trên những trang thiết bị thô sơ, hình thức bao bì in không rõ nét nên dễ phân biệt bằng cảm quan thì hiện nay, tình hình thuốc giả ngày càng tinh vi và hiện đại nên việc phòng chống và phát hiện rất khó khăn. Ông Yên cho rằng, để phòng chống thuốc giả cần phải có sự kết hợp của nhiều ban, ngành, của cơ quan kiểm nghiệm cũng như chính các nhà sản xuất, các doanh nghiệp phân phối sản phẩm.

Với người dân, để hạn chế mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, các chuyên gia dược phẩm khuyến cáo: khi mua thuốc, nếu là vỉ thuốc, hãy lắc xem nó có bị dính không, có bị bạc màu không, có bị chảy không; với chai thuốc nước thì phải xem nó có bị đóng cặn không, có bị váng mốc không… Nếu thuốc có các biểu hiện như vậy thì không nên mua, sử dụng.