Trăm nghìn kiểu trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế

ANTĐ - Báo cáo tổng kết kinh nghiệm chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) của Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh đang có tính phổ biến, ngày càng gia tăng và khó kiểm soát.

Chẩn đoán hình ảnh là dịch vụ bị lạm dụng nhiều nhất (Ảnh minh họa)

Trục lợi tại các bệnh viện

Trong năm 2011, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT và phát hiện tại hầu hết các BV được kiểm tra đều có tình trạng lạm dụng chẩn đoán hình ảnh. Phổ biến nhất là việc lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền như chụp MRI, CT. Cụ thể, tại nhiều BV, việc chỉ định cho bệnh nhân chụp MRI không những được thực hiện trong những bệnh lý thông thường ở khu vực điều trị ngoại khoa, nội khoa mà còn được dùng khá phổ biến ở những chuyên khoa khác như phục hồi chức năng, đông y... Mặt khác, nhiều dịch vụ chồng chéo gây lãng phí như: chụp X-quang nhiều tư thế, siêu âm-doppler/CT/MRI, đã chụp X-quang lại cho chụp CT hoặc MRI nhưng kết quả như nhau, đã siêu âm ổ bụng rồi nhưng lại cho chụp CT ổ bụng…

Tương tự, các loại sinh hóa máu, sinh hóa nước tiểu cũng được nhiều BV áp dụng ồ ạt, một số chỉ số sinh hóa máu được coi như những xét nghiệm cơ bản, thường quy ngay từ khi vào viện. Có những trường hợp được chỉ định làm lại trong một khoảng thời gian ngắn mặc dù kết quả mỗi lần xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Chẳng hạn như có một BV báo cáo, trong năm 2010 số lượt bệnh nhân điều trị tại BV này giảm khá mạnh so với năm 2009 (ngoại trú giảm 9,7%, nội trú giảm 8,2%, phẫu thuật loại 3 trở lên giảm 26%) thế nhưng các xét nghiệm cận lâm sàng của chính BV này năm 2010 lại tăng rất cao so với năm trước, trong đó sinh hóa tăng 44,7%, 

X-quang CR tăng 51,4%, siêu âm tăng 18%, nội soi tăng 30%... Đấy là chưa kể nhiều BV còn tách nhỏ từng chỉ số trong các xét nghiệm để thanh toán thêm tiền, các xét nghiệm được làm nhiều lần, trùng lặp nhau.

Tình trạng lạm dụng các thủ thuật, dịch vụ kỹ thuật Y học dân tộc-phục hồi chức năng  cũng hết sức phổ biến. Nhiều BV chỉ định thực hiện các thủ thuật, dịch vụ này cả ngày thứ bảy, chủ nhật như ngày thường. Kiểm tra tại một BV cho thấy, khoa YHDT và PHCN của BV chỉ có 22 cán bộ nhân viên nhưng ngày 1-7-2011 đã thống kê đề nghị BHXH thanh toán 254 lượt sóng ngắn, 46 lượt kéo dãn cột sống thắt lưng, 21 lượt kéo dãn cột sống cổ, 278 lượt điện châm, 257 lượt thủy châm, 247 lượt siêu âm điều trị, 254 lượt điện xung, 240 lượt hồng ngoại…

Tình trạng lạm dụng thuốc, cho thuốc một cách rộng rãi, tốn kém và bất hợp lý nhằm trục lợi từ Quỹ BHYT cũng hết sức phổ biến và khó kiểm soát. Qua kiểm tra, nhiều BV chỉ định sử dụng kháng sinh đắt tiền điều trị dự phòng rộng rãi, đặc biệt là sau đẻ thường. Tại một BV huyện qua kiểm tra năm 2010 có tới 90,4% bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định truyền đạm. Còn có tình trạng bác sĩ chỉ định sử dụng các thuốc hỗ trợ điều trị (không phải thuốc điều trị) rất “thoáng”, nhất là thuốc glutathion, argimin… Thậm chí, bác sĩ cấp thuốc BHYT ngoại trú cho những bệnh nhân không có thẻ BHYT hoặc ưu tiên ghi đơn cấp nhiều loại thuốc quý, hiếm (có cả những loại thuốc chưa được Bộ Y tế cho phép lưu hành).

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng trong thống kê cũng gây thất thoát rất lớn cho quỹ BHYT. Các hình thức trục lợi quỹ từ thống kê thường gặp như: thống kê sai làm chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng lên so với thực tiễn, thống kê ngoài định suất, áp giá thuốc, giá dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định…

Xuất toán hơn 50 tỷ đồng

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, năm 2011, BHXH Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại 7 tỉnh và đã xuất toán hơn 50 tỷ đồng do các cơ sở khám chữa bệnh thanh toán sai quy định. Theo ông Sơn, vấn đề là chế tài xử phạt về lĩnh vực này ở nước ta còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, Nghị định 92 quy định cụ thể về việc xử lý các vi phạm trong việc sử dụng BHYT hành vi làm thiệt hại đến Quỹ BHYT chỉ có mức phạt tối đa là 40 triệu đồng.

Cũng theo ông Sơn, để ngăn chặn tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, BHXH sẽ phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh hình thức thực hiện thanh toán theo định suất. Việc tập trung phương thức thanh toán định suất giúp cho cơ sở khám chữa bệnh thể hiện được vai trò tự chủ trong thu chi. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giám định việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT.