Trách nhiệm không của ai cả - bò mất vì chưa làm chuồng

ANTĐ - Vụ việc chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi phi tang xác bệnh nhân xuống sông Hồng đã làm rúng động dư luận, làm rùng mình nhiều phụ nữ đã hoặc đang định làm phẫu thuật thẩm mỹ. 

Nguyễn Mạnh Tường (X) chỉ địa điểm ném xác chị Huyền xuống sông

Ngay sau khi vụ án được phát hiện, dư luận còn ngạc nhiên hơn khi biết thẩm mỹ viện này hoạt động không có giấy phép của ngành Y tế, đúng hơn là làm liều, làm chui. Nhưng làm chui, làm liều thế nào mà cơ sở to thế, quảng cáo rầm rộ thế vẫn có thể qua mặt được các cơ quan chức năng? Rà soát lại cơ chế cấp phép, kiểm tra, kiểm soát của ngành Y tế, thiên hạ mới ngã ngửa người vì toàn bộ cái cơ chế này là cơ chế đề ra cho có và không có tác dụng trên thực tế.

Sự việc đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, kiểm soát hoạt động làm thêm của bác sĩ cũng như các cơ sở y tế tư nhân. Bộ Y tế đã lên tiếng xin lỗi về “án mạng” tày trời này dù do một cá nhân gây nên. Lời xin lỗi là cần thiết, là văn hóa ứng xử của cơ quan quản lý Nhà nước về y tế nhưng sau lời xin lỗi ấy phải hành động để hạn chế những tiêu cực đang làm mất uy tín ngành Y. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã không hề né tránh khi thẳng thắn thừa nhận “Vụ việc này xảy ra, trước tiên là lỗi quản lý của ngành”. 

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tiết lộ: Thanh tra sở chỉ thanh tra định kỳ, thanh, kiểm tra theo báo cáo của cấp dưới, theo đơn tố giác và đường dây nóng. Thanh tra định kỳ và đột xuất thì không có nghĩa gì vì trước khi thanh tra theo quy trình cơ sở phải được báo trước và thừa sức đối phó. Vì vậy các đợt thanh tra có phát hiện được gì đâu ngoài những sai sót nhỏ để phạt vài chục triệu đồng. Như trong đợt thanh tra chuyên đề các cơ sở khám, chữa bệnh có hoạt động tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM từ 23-9 đến 11-10, đơn vị đã phát hiện một số sai phạm và quyết định phạt hành chính một số bệnh viện và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ có sai phạm với tổng số tiền gần 53 triệu đồng, trong khi đó ai cũng biết tại TP.HCM có hàng trăm cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động không phép, sai phép đã từng gây ra nhiều tai biến, thậm chí đến chết người. Còn theo đơn tố cáo và đường dây nóng thì đương nhiên chỉ xảy ra khi đã chết người, đã tai biến mà khách hàng và chủ thẩm mỹ viện không thỏa thuận được với nhau về đền bù. Nghĩa là mất bò mới… báo cáo.

Không chỉ thanh kiểm tra, nhiều khâu khác trong cấp phép, công bố với dân cũng có vấn đề. Cho đến nay Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép cho 35 cơ sở thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ ở nhiều mức khác nhau, nhưng chưa hề công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào, thậm chí ngay trên website của Sở cũng không thông tin. Vậy nhưng khi xảy ra tai biến ngành Y tế lại nói là người dân cần kiểm tra giấy phép, so sánh giấy phép với quảng cáo… Vậy kiểm tra ở đâu, so sánh với cái gì?... Thêm nữa, dư luận cũng ngạc nhiên về việc cơ sở Cát Tường không có giấy phép hành nghề của ngành Y tế nhưng vẫn được cấp đăng ký kinh doanh (!) Lỗi ở đâu? Lại là Quy trình hành chính.

Hà Nội hiện có hơn 30 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép hoạt động nhưng trên đường phố, trên mạng Internet, tờ rơi quảng cáo bắt mắt... xuất hiện nhan nhản các cơ sở làm đẹp với đủ thứ dịch vụ, đèn led chớp nháy liên hồi… Ai cũng thấy, cũng biết thế mà những các bộ quản lý bảo là không biết? Mỗi khi xảy ra sự việc động trời, câu trả lời quen thuộc luôn là: cơ sở đó không được cấp phép, hoạt động “chui”… Không chỉ trách nhiệm của ngành Y tế mà cần cần xem trách nhiệm của quản lý địa bàn.

Gây hại rồi, bệnh nhân chết rồi mới phát hiện ra là không phải lỗi của ai cả, lỗi là do chưa cụ thể trách nhiệm cho ai cả. Bò mất rồi mới phát hiện ra do chưa có chuồng. 

Thêm một “sự cố bê bối” khiến ngành Y tế lại đứng trước thử thách khắc nghiệt về y đức và cả công tác quản lý. 

Nghị định 87/CP quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải được thẩm định và cấp phép theo quy định của pháp luật và phải có giấy phép khám bệnh, chữa bệnh thì mới được hoạt động. Trong Thông tư 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân quy định rõ các phòng khám giải phẫu thẩm mỹ “không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi...”; bởi tai nạn phẫu thuật thẩm mỹ có khi khá phức tạp, dễ xảy ra những tai biến của ngành phẫu thuật chung, như phản ứng thuốc, do gây mê, do bệnh tiềm ẩn của khách hàng. Thông tư này cũng quy định: Giám đốc Sở Y tế tỉnh có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, việc thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và việc chấp hành pháp luật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi địa phương quản lý.