Trả giá cho “hoa hồng”

ANTĐ - Đây là năm thứ tám, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được công bố trên kết quả điều tra hơn 8.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cuộc điều tra về cảm nhận của giới doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tình hình kinh tế càng khó khăn thì yêu cầu cải cách càng cao hơn và khắt khe hơn. Doanh nghiệp muốn được nhìn thấy những đổi thay liên quan mật thiết đến sự sống còn của mình trong quá trình sản xuất kinh doanh, tiếc thay hầu như không địa phương nào đáp ứng được.

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh năm 2012 có nhiều bất ngờ. Không một địa phương nào đạt được điểm số chất lượng điều hành xuất sắc. Số địa phương vươn lên tốp 5 dẫn đầu được đánh giá có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Trong khi đó, có những “ngôi sao” sáng lại lu mờ và tụt hạng. Hai đầu tàu kinh tế của cả nước có sự “đổi ngôi” trái chiều, Hà Nội tụt 15 bậc, từ 36 xuống 51, còn TP.HCM đã nhích lên từ vị trí 20 lên 13.

Đặc biệt, điểm số trung bình chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2012 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam nhận xét, bảng xếp hạng năm 2012 chứng tỏ chính quyền các tỉnh ở nhóm “đội sổ” đã có sự nỗ lực cải cách, bứt phá, trong khi các tỉnh thuộc nhóm “đầu bảng” tỏ ra lúng túng trong việc cải cách.

Theo kết quả điều tra, những cải cách giúp các địa phương “lấy điểm” trước giới doanh nghiệp thì nay không còn được đánh giá cao. Chẳng hạn như giảm thời gian chờ nhận giấy phép đăng ký kinh doanh, giảm số lần cũng như thời gian thanh tra, kiểm tra, tăng tốc độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm bớt chi phí không chính thức khi giải quyết thủ tục hành chính. Vậy thì giới doanh nghiệp đòi hỏi điều gì và có phải là cao quá không? Họ mong muốn các địa phương tạo đột phá hơn nữa để ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là vấn đề của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng có phần trách nhiệm lớn.

Cụ thể, phê duyệt đầu tư tràn lan dẫn đến nhiều quy hoạch ngành bị phá vỡ; đầu tư công, chi tiêu công dàn trải, lãng phí… Hơn thế, doanh nghiệp còn đòi hỏi sự đột phá quyết liệt ở những lĩnh vực liên quan đến kinh doanh. Theo GS. Đại học Duke (Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số này không chỉ do vị trí địa lý. Kết quả điều tra cho thấy, hình thức tham nhũng “vặt” đã giảm bớt, song tham nhũng lớn từ các vụ đấu thầu cộng lại tăng lên so với các năm trước. Có tới 42% doanh nghiệp đã chi “hoa hồng” cho cán bộ để có được những hợp đồng, tăng mạnh so với mức 23% của năm 2011. Doanh nghiệp càng lớn thì xác suất chi trả “hoa hồng” càng lớn. Báo cáo nhận xét: “Những doanh nghiệp có tình hình tăng trưởng tích cực thì có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn. Tức là doanh nghiệp có hành vi chi trả “hoa hồng” thì có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn”.

Kết quả điều tra còn chỉ rõ, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm chưa từng thấy đã tác động lớn đến niềm tin của họ về triển vọng kinh doanh cũng như cảm nhận về chất lượng điều hành của các địa phương. Thật đáng lo ngại, nếu doanh nghiệp tăng trưởng tích cực trong môi trường khó khăn không phải do điều hành giỏi mà nhờ chi đậm “hoa hồng”. Đây là loại “hoa hồng” lót tay chứ không phải hoa hồng trải trên thảm đỏ, khó tính được cái giá phải trả.