Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI):

Tốt thì phát huy, xấu thì gột rửa

ANTĐ - Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" là một văn kiện có tầm quan trọng đặc biệt, vấn đề quyết định bây giờ là khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết, quyết tâm thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước. Ảnh: Phú Khánh

Nghị quyết hợp lòng dân

Khai mạc sáng qua 27-2, tại Hà Nội, Hội nghị do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội, Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, chỉ đạo. Tham dự hội nghị có trên 1.000 đại biểu.

Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết Trung ương 4 đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận với một tình cảm vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và nhất trí cao; cho rằng, Nghị quyết đã chọn đúng và trúng vấn đề hết sức quan trọng, nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình với tinh thần tự phê bình rất cao, đề ra giải pháp phù hợp, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Mục đích của Hội nghị quan trọng này là thông qua việc giới thiệu, quán triệt quan điểm chỉ đạo, nội dung, giải pháp, các bước thực hiện nêu trong Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, giúp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, nhận thức, đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, nội dung quan trọng, những công việc cần làm, cả trước mắt và lâu dài, tạo sự thông nhất cao về ý chí và hành động, đưa Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.


Từ trên xuống dưới phải có quyết tâm rất lớn

Trung ương đã chỉ ra các giải pháp mang tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây” “xây và chống”, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất, cấp bách nhất với 4 nhóm giải pháp: 1- Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; 2- Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; 3- Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; 4- Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tinh thần toát lên trong các nhóm giải pháp đó là: Xác định những việc cần làm, có thể làm ngay và những việc cần có thời gian chuẩn bị, nhất là về vấn đề xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, hiệu quả.

Về một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đồng chí Tổng Bí thư lưu ý, ngay sau khi kết thúc Hội nghị, căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, ngành mình; phải làm khẩn trương, nghiêm túc, thiết thực; có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng. Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì, phải tự giác, gương mẫu làm trước; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ nội dung, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể.

Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.

Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên

Ngày 24-2, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Chỉ thị nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo các nội dung Nghị quyết đã nêu. Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi. Việc tổ chức kiểm điểm phải thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, cách làm, thời gian mà Trung ương và Bộ Chính trị đã đề ra. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không tự nhận được sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã được nêu ra. Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật.

Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 lần này, Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu cần duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ tự phê bình, phê bình hàng năm, gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể. Định kỳ hàng năm, cấp ủy, tổ chức đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, đóng góp ý kiến. Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.