Tổng thư ký Quốc hội: Khoán xe công mà không bớt đầu xe thì… chưa hiệu quả!

ANTD.VN - Đây là quan điểm được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra khi trả lời báo chí tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XIV, diễn ra chiều nay, 18-10.

Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi: Chính phủ đã thực hiện khoán xe công, Quốc hội tới đây có thực hiện? Trả lời, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội rất hoan nghênh chủ trương này, cách đây hơn chục năm đã có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội thực hiện khoán xe công và nay cũng đang có.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí 

“Văn phòng Quốc hội ủng hộ chủ trương này và thực hiện từ sớm. Nhưng như cách làm của Bộ Tài chính khoán xe công vừa qua là chưa hiệu quả. Khoán là phải bớt được đầu xe đi. Cái chính là giải quyết bài toán khoán xe công bằng biện pháp xã hội hoá, gom một đầu mối chung, còn chỉ khoán từ nhà đến cơ quan thì không hiệu quả, mỗi Thứ trưởng vẫn có một xe như thế thì hiệu quả làm sao được. Chúng tôi đang xây dựng đề án làm sao để hiệu quả hơn nữa” – Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Cũng tại buổi họp báo, chia sẻ với những điểm đổi mới trong hoạt động của kỳ họp này, nhất là việc Quốc hội sẽ có thay đổi gì để nâng cao chất lượng lập pháp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, trong quá trình thảo luận cho ý kiến, Quốc hội sẽ mở các hội nghị chuyên trách để các đại biểu chuyên trách cùng tham gia ý kiến vào các dự án luật.

Quốc hội cũng sẽ xin ý kiến các chuyên gia đối với những nội dung dự án luật còn nhiều vướng mắc. Riêng với các dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội sẵn sàng tăng thời lượng thảo luận lên, có thể là thảo luận thêm tại tổ, tại hội trường và cũng có thể kéo sang kỳ họp sau mới thông qua.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội sẽ tạo điều kiện để các đại biểu tranh luận. Với các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, các Bộ trưởng sẽ trực tiếp trả lời, trao đổi với các đại biểu. Các đại biểu nào có nguyện vọng muốn tranh luận, chủ tọa cũng sẽ tạo điều kiện để có tranh luận tại hội trường…

“Trong quá trình trao đổi thảo luận tại hội trường, nếu như còn ý kiến đại biểu đăng ký mà hết giờ làm việc thì vào buổi chiều có thể cho phép các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi đến hết để các đại biểu đều được nêu vấn đề, sau đó Chính phủ có thể trả lời bằng văn bản” – Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tiếp tục trả lời vấn đề báo chí quan tâm về báo cáo sự cố môi trường do hoạt động xả thải của Formosa được trình bày tại kỳ họp này của Quốc hội như thế nào? Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, báo cáo sẽ được trình bày lồng ghép trong báo cáo về kinh tế xã hội của Chính phủ.

“Đây là một trong những nội dung rất được quan tâm. Chính phủ thời gian qua đã tập trung chỉ đạo các giải pháp khắc phục. Quốc hội cũng có đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vào giám sát rất sớm, có các kiến nghị cụ thể như yêu cầu Fomosa phải đảm bảo đầy đủ mọi điều kiện an toàn mới được hoạt động chính thức. Còn việc đền bù thế nào cho người dân hiện Chính phủ cũng đang làm tích cực như chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại mức đền bù cho người dân” – Tổng thư ký Quốc hội chia sẻ.

Về nợ công, hiện có nhiều ý kiến dự báo nợ công, nợ Chính phủ của nước ta năm nay sẽ vượt trần. Vậy nếu vượt trần thì ai chịu trách nhiệm? Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tinh thần là cố gắng không để vượt trần nợ công. Hiện theo báo cáo của Chính phủ, nợ công chưa vượt trần (mức trần là 65%). “Chính phủ cũng cam kết không để vượt trần này. Còn nếu vượt trần thì trách nhiệm thuộc cả về Chính phủ lẫn Quốc hội” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Buổi họp báo công bố chương trình làm việc kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIV

Trước đó, thông báo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2- Quốc hội khóa XIV tại buổi họp báo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20-10 và dự kiến kéo dài trong 26 ngày làm việc. Khác với thông lệ kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp).

Cụ thể, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi)…

Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án NDTC, Viện kiểm sát NDTC và quyết định một số vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, kỳ họp cũng sẽ dành thời gian cho ý kiến vào báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường (kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội) và báo cáo về tình hình Biển Đông. Ngoài ra, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.