Thứ trưởng đi taxi đi làm là chuyện bình thường

ANTD.VN - Liên quan tới việc thực hiện chế độ khoán kinh phí xe công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu chí cho biết: “Các đồng chí có hỏi việc đi vậy có vấn đề gì không, tôi nói là chuyện bình thường”.

Thứ trưởng đi taxi đi làm là chuyện bình thường ảnh 1

Vẫn có nhiều lý do được đưa ra để "từ chối" việc khoán kinh phí xe công 

Ông Nguyễn Hữu chí cho rằng, việc khoán kinh phí có chủ trương của Đảng, Nhà nước từ lâu. Từ năm 2007, đã có chủ trương thực hiện có lộ trình khoán dần xe công với đồng chí có tiêu chuẩn định mức. Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg sau đó là Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg, theo đó quy định mới dừng ở việc áp dụng với các đối tượng đủ tiêu chuẩn “có điều kiện và tự nguyện đăng ký tự túc phương tiện”.

Sau đó, tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khoán xe công vẫn là tự nguyện. Phân tích rõ hơn về “cái khó” khi áp dụng việc khoán kinh phí xe công theo cơ chế tự nguyện, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói: “Quy định khoán tự nguyện nhưng sự đời này có ai tự nguyện được. Mình có tiêu chuẩn mình đi, chứ tội gì mình đi tự nguyện. Tiêu chuẩn định mức tôi có, tôi muốn được đi xe công đảm bảo thế này thế khác. Đây là quyền lợi riêng của tôi, làm sao tự nguyện”.

“Nhưng riêng Bộ Tài chính, Ban cán sự Đảng thống nhất là khoán, bắt đầu từ 1-10-2016”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu chí cho hay. Theo Quyết định 1997/QĐ-BTC, Bộ Tài chính đưa ra mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày. Bộ đã giao cho Cục Quản lý công sản và Cục Kế hoạch Tài chính rà soát, tính toán để thực hiện khoán.

“Tôi cũng công khai với các đồng chí là từ nơi tôi ở (nhà công vụ) tới cơ quan là 10,2 km, nhân với 2 lượt đi – về, nhân 22 ngày làm việc, nhân 15.000 đồng/km. Tính ra được khoảng 6,6 triệu đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí thông tin.

“Các đồng chí có hỏi việc đi vậy có gì không, tôi nói chuyện bình thường, không có vấn đề gì phải nói. Thống nhất với nhau rồi là chúng ta phải làm. Tôi thấy chuyện này bình thường, không đi xe này thì đi xe khác. Khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh, tôi còn đi xe honda, thậm chí đi xe đạp”, ông Nguyễn Hữu Chí chia sẻ.

Vị thứ trưởng này cho rằng, quan trọng là làm sao đi từ nhà tới cơ quan đúng giờ còn phương tiện không quá quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người thuộc diện có xe đưa đón vẫn đưa ra nhiều lý do mà theo ông là do không muốn thực hiện khoán kinh phí.