Tổng thanh tra Chính phủ giải trình về quy định xử lý tài sản, thu nhập bất minh

ANTD.VN - "Qua phiên thảo luận cho thấy cả hai phương án còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình làm rõ để nhằm có phương án xử lý tài sản, thu nhập phù hợp với quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói.

Ngày 13-6-2018, phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Quốc hội diễn ra sôi nổi với 44 đại biểu tham gia phát biểu, 11 đại biểu tranh luận và còn 14 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu vì không còn thời gian.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau, phân tích và tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu là quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Theo dự thảo luật, trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Chính phủ đề xuất hai phương án xử lý là đánh thuế thu nhập cá nhân 45%; hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Cả hai phương án trên đều không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.  

Giải trình, làm rõ thêm vấn đề này vào cuối phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập một phần xuất phát từ nguyên nhân chưa có phương án xử lý đối với tài sản, thu nhập mà kể cả người kê khai và cơ quan có thẩm quyền đều không có bằng chứng về nguồn gốc hợp pháp về tài sản, thu nhập. 

Xuất phát từ tình trạng trên, Chính phủ trình 2 phương án như trong dự án luật trình Quốc hội và lựa chọn phương án 1 với 3 lý do: Thứ nhất, giúp khắc phục vướng mắc về pháp lý vì không thể tịch thu được tài sản, thu nhập, khi nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập đó là do hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai, giúp nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp kê khai tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng, khi chuyển các vụ việc liên quan tới xử lý tài sản, thu nhập vào diện được theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra hoặc chuyển sang cơ quan điều tra khi có dấu hiệu phạm tội.

Thứ ba, thể hiện rõ ràng đây là biện pháp trước mắt, không loại trừ việc xử lý hình sự tịch thu tài sản đối với người kê khai nếu cơ quan chức năng chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.  

“Tuy nhiên qua phiên thảo luận cho thấy cả hai phương án còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình làm rõ để nhằm có phương án xử lý tài sản, thu nhập phù hợp với quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 11 chương, 125 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; việc xử lý tham nhũng và vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Dự luật được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào tháng 10-2018.