- "Nóng" tranh luận có nên cho phép tố cáo qua điện thoại?
- Tổng Thanh tra Chính phủ: Khó thu hồi tài sản tham nhũng nếu đối tượng đã tẩu tán
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Quốc hội
Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội sáng nay, 26-5, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nêu, điều mà nhân dân, cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm chính là làm thế nào để nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng đời sống nhân dân.
Và một trong các giải pháp bền vững để đạt được điều này là phải xây dựng thương hiệu Việt thông thông qua một nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất kinh doanh có đạo đức.
“Tôi rất tiếc điều này không được chính thức ghi trong Nghị quyết số 24 của Quốc hội, bởi đó là tinh thần căn bản của một nền kinh tế tử tế, trong đó mọi người biết tự trọng, biết yêu giống nòi Tổ quốc, không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng cách đầu độc con người” – ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đặc biệt, ĐB Nhưỡng đề nghị Thủ tướng sử dụng thẩm quyền được nhân dân và Quốc hội trao, đó là đứng đầu hệ thống cơ quan hành pháp, kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm theo thẩm quyền.
Những chính sách, chỉ đạo của Thủ tướng phải được thực hiện đến từng người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thì mới có thể truy được trách nhiệm nếu cán bộ, lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, mới hạn chế được tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như hiện nay.
“Trước hết, có thể tạm đình chỉ những cán bộ lãnh đạo hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong việc thu chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc, lâm tặc, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là nạn bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ, bổ nhiệm không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu…
Nhân dân rất mong chờ sớm có chuyển biến trong vấn đề này” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) băn khoăn về thu hồi tài sản do tham nhũng
Cũng đề cập đến vấn đề tham nhũng, lãng phí hiện nay, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước và nhân dân rất lớn.
Theo bà Dung, thời gian qua việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, song tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.
“Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn… Lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1.300.000 đồng, vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ” – ĐB đoàn Long An nói.
Đề nghị “cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phổ biến”, ĐB Phan Thị Mỹ Dung góp ý với Quốc hội cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 tới đây, sớm đưa Luật này vào thực thi.
Yêu cầu làm rõ vụ bổ nhiệm “thần tốc” ở Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia
Ngày 25-5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng đã ký thông báo số 4932/VPCP-TCCV truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Nội vụ làm rõ vụ việc bổ nhiệm “thần tốc” ông Vũ Hùng Sơn làm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia)
Theo đó, ngày 23-5, một số báo điện tử phản ánh việc bổ nhiệm “thần tốc” ông Vũ Hùng Sơn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Về nội dung nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra công vụ tiến hành kiểm tra, làm rõ các phản ánh của báo chí nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-6-2018.