“Tòng phạm” rượu bia

ANTĐ - Giảm tai nạn giao thông thực sự là “bài toán” đau đầu, nhất là với một quốc gia mà bất cứ yếu tố nào cấu thành nên hệ thống giao thông đều có “vấn đề” như Việt Nam. Trước đây Nghị quyết 32/CP lấy việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm là trọng tâm thì dự thảo Nghị quyết bổ sung các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn lần này, sẽ tập trung vào việc xử lý lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Nước ta đã ban hành nhiều quy định cấm uống rượu bia trong khi tham gia giao thông và kèm theo đó là các mức xử phạt không hề nhẹ. Nghị định 146 từng có mức phạt đối với lái xe ô tô uống rượu bia từ 1-3 triệu đồng, xe máy là 400.000 - 800.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền lái xe 60 ngày.

Thế nhưng, phạt nặng hầu như không giảm thiểu nồng độ rượu bia cánh lái xe, cũng như những tai nạn kinh hoàng trên đường. Sử dụng chất có cồn gây tai nạn thảm khốc là nhiều lái xe khách đường trường, những lái xe siêu trường, siêu trọng. Cấm người cầm lái nắm giữ trong tay sinh mạng sáu bảy chục con người là đương nhiên, song rủi ro và tai họa ập đến với hành khách và người đi đường đâu chỉ từ rượu bia. Còn có nguyên nhân lái xe giành đường, lấn tuyến, ngủ gật, tay lái non và xe quá cũ nát. Liệu cánh lái xe có thể tránh xa được rượu bia hay không khi mà họ “ngập” trong môi trường rượu bia? Ngay cả việc cấm không được quảng cáo và bán rượu bia ở các bến xe cũng là không tưởng, bởi khắp mọi nẻo đường, trên từng cây số cơ man nào là rượu bia... Thử nhìn sang một số nước đang phát triển cũng bán rượu bia “vô tư” như ở ta, hầu như mọi người đang lái xe không “chạm môi” vào rượu bia khi ngồi trước vô lăng.

Như vậy, vấn đề sâu xa nằm ở chỗ việc tuyển chọn lái xe, huấn luyện tay nghề, bồi dưỡng nhân cách sao cho người lái xe giữ được đạo đức nghề nghiệp. Tuyển chọn đầu vào, lái xe học thức nhì nhằng, nhận thức non kém, sức khỏe tàm tạm, mà lại “máu” rượu bia, thì mọi điều cấm đoán, mọi chuyện rủi ro, nguy hiểm đều không có giá trị đối với họ. Tình trạng tai nạn giao thông tuy có giảm, năm 2007 số người chết là 13.150 người, năm 2008 giảm được 1.564 người, năm 2006 trung bình 1 ngày có 36 người chết, nay là 31 người. Song bản thân Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, vấn đề hiện nay là cưỡng chế thi hành pháp luật về rượu bia như thế nào. Khi việc uống rượu bia đã đi vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thói quen của người dân.

Mặc dù thừa nhận việc thực hiện quy định lái xe ô tô không được uống rượu, không được có cồn trong máu, còn khó hơn cả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định phải tạo được thói quen cho lái xe “đã uống là không được cầm lái”. Tiến tới cấm bán rượu bia cho người điều khiển phương tiện; cấm kinh doanh rượu bia ở trạm nghỉ, dừng chân. Thực ra, rượu bia cũng chỉ là “tòng phạm” gây ra TNGT. Thủ phạm chính là lái xe không làm chủ được mình.