Vụ án “rút ruột” xăng dầu ở quận Long Biên, Hà Nội:

Tội phạm có bị bỏ lọt?

ANTĐ - Sau khi điều tra bổ sung, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nghiêm Đình Trường (SN 1972, trú ở thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) -  nguyên cửa hàng trưởng một cửa hàng xăng dầu. Tuy nhiên, một lần nữa phiên tòa buộc phải trì hoãn vì các nhân chứng vắng mặt.

Nghiêm Đình Trường tại phiên tòa bị hoãn mới đây

Tháng 8-2007, Nghiêm Đình Trường được Xí nghiệp Dịch vụ xăng dầu và cơ khí (Công ty Xăng dầu khu vực I) bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 79, có địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội. Lợi dụng chức vụ này, Trường đã thực hiện hàng loạt hành vi gian dối để chiếm đoạt xăng dầu và tiền của doanh nghiệp. Cáo trạng kết luận, từ khi được bổ nhiệm làm trưởng cửa hàng xăng dầu số 79 đến tháng 8-2008, Nghiêm Đình Trường đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 1,188 tỷ đồng của Công ty Xăng dầu khu vực I.

Với các hành vi trên, Nghiêm Đình Trường bị VKSND Hà Nội cáo buộc và truy tố ra trước tòa án cùng cấp về tội tham ô tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 278-BLHS. Ngày 15-6, tòa án đã đưa bị cáo ra xét xử sơ thẩm. Thế nhưng tại phiên tòa này, nguyên trưởng cửa hàng xăng dầu số 79 một mực cho rằng mình bị oan, không tham ô tài sản như cáo trạng quy kết. Tại phiên tòa đó, HĐXX nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ và có dấu hiệu đồng phạm nên đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Nhận trách nhiệm bào chữa cho bị cáo, luật sư Phạm Quang Hòa - Văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hồ sơ vụ án còn có quá nhiều tình tiết “thiếu sót”. Chẳng hạn đối với hành vi thu tiền của các ca trưởng nhưng không nộp về xí nghiệp, cơ quan truy tố chỉ dựa vào chứng từ bán hàng, sau đó đối trừ với số tiền thiếu hụt trong két tại cửa hàng để quy kết bị cáo tham ô, trong khi đó, bị cáo nhận nợ, không bỏ trốn. Vì vậy, cần phải làm rõ số tiền thất thoát kia được sử dụng vào việc gì. Không những vậy, số tiền quy kết bị cáo chiếm đoạt và số tiền đối chiếu với chứng từ bán hàng không đồng nhất với nhau. Luật sư này nhận định, hành vi đó của bị cáo chỉ là sai phạm về quy trình thu, nộp tiền chứ chưa đủ yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản.

Ở hành vi chiếm đoạt xăng dầu và tiền thông qua chủ trương bán hàng bằng phiếu lưu động cũng tương tự. Trường không lập báo cáo khống vì số liệu báo cáo được tổng hợp từ các ca bán hàng hàng ngày. Số liệu xăng dầu, tiền thể hiện bị cáo chiếm đoạt không đồng nhất, khách quan và có dấu hiệu giả mạo chứng cứ. Đặc biệt, hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo đã “biển thủ” tổng số hơn 5.000 lít dầu mỡ nhờn là không có căn cứ vì chỉ dựa vào khai báo của doanh nghiệp. Bởi theo quy trình, tất cả số lượng xuất nhập xăng dầu đều được “chốt” và giao nhận hàng ngày giữa các ca bán hàng với cửa hàng trưởng, song tài liệu này đã không được thu thập…

Từ những phân tích của mình, luật sư Phạm Quang Hòa khẳng định nếu chỉ dựa vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ như hiện nay thì không đủ cơ sở quy kết nguyên trưởng cửa hàng xăng dầu số 79 phạm tội tham ô tài sản. Ngược lại, một khi làm rõ được tất cả các tình tiết nêu trên thì rất có thể vụ án còn có thêm đồng phạm. Trước khi quyết định hoãn phiên tòa trong ngày 4-11, HĐXX nhấn mạnh việc có mặt đầy đủ các nhân chứng tại phiên tòa là vô cùng cần thiết, sẽ làm sáng tỏ hành vi “rút ruột” hàng vạn lít xăng dầu của bị cáo.