Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tôi ở đây cho gần đồng đội”

ANTĐ -“Tuổi thanh xuân tôi đã ở lại với núi rừng, giờ nghĩa tình đã ăn sâu vào tâm trí, chẳng muốn xa mảnh đất nơi này”- người lính già Nguyễn Văn Thẩm tự hào khi hồi tưởng một thời lửa đạn mà ông đã kinh qua.


Mảnh đạn găm trên người nhưng vẫn không lùi bước

Trong căn nhà nhỏ dưới rặng nhãn thanh bình nằm ở một góc thành phố Điện Biên, ông Nguyễn Văn Thẩm 89 tuổi - người chiến sỹ Điện Biên năm xưa không kể về từng trận đánh ác liệt mà lại hồi tưởng về kỷ niệm từng được tham gia làm diễn viên trong phim của đạo diễn Carmen về chiến thắng Điện Biên Phủ. “Tôi chỉ biết làm theo những gì mình có thật, hòa niềm vui trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, khoác súng vẫy cờ hoa đi trên đường được bà con mừng đón”- ông Thẩm kể lại.

Trong câu chuyện về một thời trận mạc, có đôi lúc ông xúc động chỉ ngồi lặng yên

Vào thời điểm cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra căng thẳng trên chiến trường Điện Biên Phủ, người chiến sỹ Nguyễn Văn Thẩm khi ấy là thượng sỹ của Đại đội pháo binh 327, Sư 316. Ông Thẩm cùng đồng đội được giao nhiệm vụ đánh A1, C2, C1. cụ thể bằng mọi cách phá hủy xe tăng của địch. Đó là những con voi sắt khổng lồ hòng dày xéo mảnh đất của ta.

“Trận chiến ác liệt lắm, tôi bắn đạn cối chưa kịp di chuyển thì bị bên địch nã đạn pháo lại gần vị trí mình đứng, rất may tôi chỉ bị thương chứ không chết”- ông Thẩm nhớ lại- "Đơn vị đói khát, dầm mình trong mưa. Hầm hào xác chết thối rữa, có cả lính địch, có cả đồng đội mình".

Chính hình ảnh ấy mà ông cùng đồng đội đã quên đi vết thương máu chảy, ôm súng tiến về phía quân thù bằng mọi giá cho ngày mừng chiến thắng. “Người tôi giờ vẫn còn mảnh đạn trong trận đánh đồi A1, 1 tiểu đội của mình đánh 1 tiểu đoàn có 3 xe tăng của địch thế mà những con voi sắt ấy chẳng làm ăn trò trống gì. Chúng tôi đã bắn đứt xích xe tăng biến nó thành đồ vô dụng hết cả”- ông Thẩm tự hào.

Những lúc nhớ lại kỷ niệm xưa ông Thẩm mang bức ảnh ra xem lại

Ông Thẩm bảo ngay sau khi Điện Biên giải phóng ông cùng đồng đội được điều về Ba Làng, Thanh Hóa để chỉnh huấn quân theo mệnh lệnh của cấp trên. Đó là vào năm 1956. “Lúc chiến thắng Điện Biên xong, tôi chưa kịp biết nhiều về nơi mình chiến đấu đã phải đi ngay về xuôi. Tôi tò mò và muốn chứng kiến xem cái hầm của tướng De Castries nó kinh khủng thế nào mà dám chiếm Tây Bắc của ta. Sau này có lời kêu gọi trở lại Điện Biên xây dựng kinh tế tôi quyết quay trở lại và ở cho đến ngày hôm nay”- ông Thẩm bộc bạch.

Hạt gạo thấm đỏ máu đồng đội

Những người lính xung trận quên tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho Điện Biên sẽ và mãi mãi được đất mẹ ôm vào lòng. Người lính già 89 tuổi từng chiến đấu giữ mảnh đất Điện Biên và thời gian còn lại vun đắp cho Điện Biên hôm nay.

“Tôi ở lại nơi này cũng là vì cho gần đồng đội hơn. Tôi nhớ lại tháng ngày ác liệt, có đồng đội, giờ đất nước vui trong hòa bình bạn mình đã để lại tuổi 20 với đất Điện Biên, nhiều lúc tôi vẫn mơ thấy hình ảnh cùng đồng đội đi lấy từng bịch gạo ở trên người đồng đội hy sinh, thịt trâu chết do trúng bom đạn để ăn lấy sức chiến đấu”- ông Thẩm xúc động.

Cở hoa rợp trời những con đường dẫn vào thành phố Điện Biên Phủ

Những ngày trở lại núi rừng Tây Bắc, ông Thẩm ở C4, sau này ông chuyển vào C12 thuộc thành phố Điện Biên Phủ. Nhớ đồng đội, trong những tháng ngày tuổi cao, ông Thẩm dày hơn những lượt viếng thăm chiến hào, rẽ đồi A1 rồi đến bản Mé nơi đơn vị từng ngang qua để vui mừng cảnh đổi thay.

“Tôi quê hương ở Hưng Yên, thế nhưng tôi thuộc đất Điện Biên hơn vùng xuôi đó. 60 năm chiến thắng Điện Biên cũng đã tròn 60 năm tôi dành tình cảm với mảnh đất này, giờ ở tuổi này còn ngẫm gì hơn khi một ngày được gặp đồng đội ở nơi ấy”- ông Thẩm nói. Tôi đã viết nhiều về chiến sỹ Điện Biên, và nhận thấy một điều rất đặc biệt, ai cũng có một giấc mơ sẽ có ngày gặp lại đồng đội ở chính mảnh đất ấy khi quy luật của tuổi già.   

Dấu tích của chiến tranh sau 60 năm

“Những ngày gần đến dịp mùng 7-5, tôi hay liên lạc với đồng đội xem có còn khỏe để trở về đây không. Những năm trước thì có đông, giờ bạn đã thưa dần, ngẫm cũng buồn lắm!. Không biết liệu vài năm nữa còn ai không”- giọt nước mắt xúc động lăn trên gò má của người lính già. Ông Thẩm bảo vẫn biết, tuổi tác thì bất cự được với cái khắc nghiệt của thời gian. Nhưng ông vẫn thấy buồn vì lính xưa đã không biết nhau thì thôi chứ đã gần rồi thì tình cảm lắm. Nhớ nhau đến già. Ông Thẩm nhẹ nhàng gỡ bức ảnh chụp cách đây 5 năm, khi ấy kỷ niệm 55 chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng 13 đồng đội của ông chụp ảnh kỷ niệm trên đồi A1. Lúc đó, những người lính già đều móm mém cả rồi, nhưng vẫn hát vang và cười tươi khi gặp mặt.

Lật giở cuốn sổ ghi người còn người mất, ông Thẩm xúc động: “Năm nay Nhà nước tổ chức lễ lớn ở Điện Biên, có nhiều đồng đội tôi đã mất, có người sức yếu do tuổi cao không trở về được. Tiếc quá!”.