“Tôi muốn mọi người hiểu và yêu cồng chiêng Tây Nguyên hơn”

(ANTĐ) - Người đàn ông “một nách 4 con” lại “đèo bòng” thêm “món nợ nghệ thuật” vẫn đầy nhiệt huyết, say mê khi nói về công việc của mình, mắt anh cứ sáng lên mỗi lần kể về gia đình mình... Nhưng vị Tổng đạo diễn Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng “thú nhận”: lắm lúc muốn gục xuống.

Nghệ sĩ Đức Hải:

“Tôi muốn mọi người hiểu và yêu cồng chiêng Tây Nguyên hơn”

(ANTĐ) - Người đàn ông “một nách 4 con” lại “đèo bòng” thêm “món nợ nghệ thuật” vẫn đầy nhiệt huyết, say mê khi nói về công việc của mình, mắt anh cứ sáng lên mỗi lần kể về gia đình mình... Nhưng vị Tổng đạo diễn Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng “thú nhận”: lắm lúc muốn gục xuống.

Nghệ sĩ Đức Hải

Nghệ sĩ Đức Hải

Làm sao không gục được với khối công việc “cao như núi”: tìm tư liệu để viết kịch bản và đạo diễn chương trình Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2007, giảng dạy tại ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, đóng phim truyền hình, diễn kịch và quan trọng nhất là giúp vợ chăm sóc đàn con nhỏ, gánh vác nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cho một gia đình 6 người, cộng thêm 3 - 4 người giúp việc.

Trong chuyến ra Hà Nội đúng 1 ngày của NS Đức Hải, phóng viên báo An ninh Thủ đô đã có dịp trò chuyện về vai trò đạo diễn “Cuộc trò chuyện vĩnh cửu từ đại ngàn”.

- Anh cảm giác thế nào trong lần đầu tiên đảm trách một vai trò quan trọng và nặng nề như thế?

- Tôi rất phấn khởi bởi đây là việc mà tôi mơ ước đã lâu. Được làm điều mình muốn, việc mình thích thì còn gì bằng.

- Nghe nói anh đã mất nhiều năm để tìm hiểu và lý giải về “tính thiêng” của cồng chiêng Tây Nguyên?

- Đúng là tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cồng chiêng nói chung và tính thiêng của cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng. Đó là một hành trình dài, từ năm tôi 22 tuổi, tức là cách đây 25 năm.

Tôi đã “đại náo” trong một gian trưng bày cồng chiêng Tây Nguyên trong một lần đi lưu diễn. Chỉ vì lạ lẫm và thích thú thôi, chứ chả có ý gì khác.

Sau đó tôi bị phê bình gay gắt, có người đã bảo là việc tôi làm như là gọi hồn người chết về một cách vô cớ, điều đó khiến gia đình người đã đón tiếp mình bị phiền phức. Tôi sợ quá, và bị ám ảnh về chuyện đó cho đến bây giờ.

Công chiêng Tây Nguyên - Một di sản văn hóa thế giới.
Công chiêng Tây Nguyên - Một di sản văn hóa thế giới.

- Bởi sợ và bị ám ảnh nên anh bắt đầu nghiên cứu về cồng chiêng?

- Cái chính là bởi tôi tò mò, muốn hiểu thêm về “cõi thiêng” ấy. Tôi tình cờ đọc cuốn sách về nghệ thuật cồng chiêng xuất bản năm 1986. Say sưa đọc và càng hăng hái tìm hiểu hơn.

Từ đó cho đến giờ vốn kiến thức về cồng chiêng cũng như văn hóa Tây Nguyên của tôi đã kha khá. Chính Ban tổ chức Festival cồng chiêng Tây Nguyên đã chọn tôi trong một danh sách dài những “ứng cử viên” cho vai trò Tổng đạo diễn Festival đấy chứ.

- Anh có thể tiết lộ về kịch bản Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên?

- Chính “bản giao hưởng cồng chiêng” mà bạn nói sẽ là điểm nhấn nổi bật của Festival đấy. Đó là sự kết hợp giữa âm thanh hàn lâm của dàn nhạc giao hưởng với âm thanh hoang sơ của cồng chiêng.

Nhiều người bảo sự kết hợp này là một ước mơ khó thành hiện thực. Nhưng tôi vẫn muốn nỗ lực hết sức để tìm giải pháp cho ước mơ đó. Và để làm được, tôi và những cố vấn của mình phải mất nhiều công sức, thời gian nghiên cứu để tìm bản nhạc phù hợp, tìm dàn cồng chiêng có thang âm phù hợp, rồi tìm hiểu về cách chỉnh chiêng như thế nào, phối khí và hòa âm ra sao.

4 đêm nghệ thuật dân gian trong những ngày diễn ra Festival được xem như 4 chương của bản giao hưởng (Đêm rừng già, Đêm huyền diệu, Âm vang Tây Nguyên và Bay lên cánh chim mặt trời). Mỗi chương là một câu chuyện kể, với những tâm trạng, khát vọng của người dân Tây Nguyên... Ngoài cồng chiêng, còn có các nhạc khí khác giữ vai trò “tạo lửa” cho thanh âm và có cả sự tham gia của những ban nhạc rock nữa...

- Anh có gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu về cồng chiêng Tây Nguyên?

- Bao giờ cũng nhiều khó khăn, nhưng chủ yếu là trong việc tìm tài liệu. Ngoài việc tìm các cuốn sách trong thư viện và những nơi khác, tôi lên mạng tìm. Việc này không phải dễ. Vì mạng là “quốc tế hóa”, đa dạng về ngôn ngữ mà tôi thì chỉ biết tiếng Việt và tiếng Nga nên phải nhờ hoặc thuê người dịch thuật.

- Anh chủ trương gì khi vận dụng cả hình thức sân khấu chính quy lẫn sân khấu đường phố trong Festival này?

- Tôi nghĩ rằng, muốn để người dân hiểu hơn về cồng chiêng thì phải đưa họ đến với sự trình diễn sân khấu. Nhưng để người dân cảm thấy gần gũi, có thiện cảm với cồng chiêng thì phải đưa họ đến gần với cồng chiêng hơn, trong bối cảnh lễ hội đường phố.

- Cái đích mà anh hướng tới trong việc dàn dựng kịch bản Festival này là gì?

- Mang lại cho người dân nhiều sự hiểu biết về văn hóa cồng chiêng, khiến mọi người hiểu và yêu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Và tôi muốn tránh tạo cảm giác cho những người tham dự Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên về một “Đại nhạc hội”.

Huyền Trang (Thực hiện)