ADN và những câu chuyện bi hài (13):

Tôi là đứa con rơi của một thời khói lửa

ANTĐ - “Anh có thể… giúp tôi… có được một đứa con không? Chỉ một đứa thôi rồi anh sẽ ra đi, anh không phải lo lắng gì cho tôi cả…”. Ông ôm lấy cô y tá tàn tật… Đó là lần duy nhất bố phản bội người vợ của mình.
Tôi là đứa con rơi của một thời khói lửa ảnh 1
Tôi đã khóc rất nhiều khi biết người nuôi dưỡng mình bấy lâu nay lại chính là người có công sinh thành (Ảnh minh họa)
Bố tôi gặp mẹ trong cảnh bom rơi, đạn nổ. Hồi đó, bố được đưa đến trạm quân y vì một vết thương vào phần mềm của chân phải. Người điều trị trực tiếp cho bố tôi là y tá Phương, mẹ tôi. Không chỉ riêng bố, mà với bệnh nhân nào mẹ cũng chăm sóc chu đáo như người thân. Vì vậy ai cũng quý mến mẹ.

Một lần sau lệnh báo động có máy bay địch, các bệnh nhân nặng được các y bác sĩ khẩn trương chuyển xuống hầm. Bố tôi vội vã vớ lấy đôi nạng và cố đứng lên để theo kịp mọi người nhưng loay hoay mãi mà không đứng lên được. Mọi người xuống hầm gần hết, bố tôi mới lê ra được ngoài cửa. Đúng lúc đó, ông bị một người xô mạnh, đè ông nằm xuống, rồi một tiếng nổ xé trời vang lên. Lúc đó ông mới hiểu đã có một tấm thân đang che chắn cho mình. Người đó là mẹ tôi.

Mẹ tôi bị thương rất nặng sau khi dùng thân mình che chắn cho bố tôi. Còn bố tôi, lúc nào cũng cảm thấy có lỗi với mẹ. Nhìn mẹ hôn mê, bất tỉnh trên giường bệnh, ông không cầm nổi nước mắt. Vết thương của bố tôi đã lành và ngày xuất viện cũng đã đến, trong khi vết thương của y tá Phương vẫn không hề thuyên giảm. Ông vô cùng thất vọng khi biết mẹ tôi sẽ phải cưa mất một chân để bảo toàn tính mạng. Trước ngày trở về đơn vị, bố đã ngồi bên cô rất lâu, ông xúc động nói: “ngày mai tôi phải về đơn vị, tôi chỉ còn biết cầu mong cho chị chóng khỏi, tôi mắc nợ chị cả cuộc đời này. Nếu sau này tôi còn sống trở về, nhất định tôi sẽ trở lại thăm chị. Xin hãy cho tôi địa chỉ, cho dù chị ở đâu tôi cũng sẽ tìm được”.

Thế rồi chiến tranh kết thúc, bố tôi được giải ngũ. Trước khi trở ra Bắc, bố đã lần theo địa chỉ của mẹ. Cô y tá năm xưa vui mừng khôn xiết khi gặp lại đồng đội cũ. Mẹ tôi khi ấy gầy và già nhiều so với tuổi. Nhìn tấm thân gầy héo của mẹ, bố thấy đau nhói trong tim.  

Tối đó, bố tôi ngủ ngoài hè. Ông thao thức và trăn trở. Xót thương người con gái đã cứu sống mình. Ông không ngủ được, ngồi dậy châm thuốc hút. Không ngờ cô y tá đã đến bên ông từ lúc nào: “Tôi biết anh không ngủ được, còn tôi, tôi đã quá quen với những đêm thức trắng”.

Rồi hai người ngồi nói chuyện về những kỉ niệm của chiến trường xưa, về đồng đội và ngày chiến thắng… nhưng không ai nhắc đến tương lai.

Bỗng cô y tá im lặng rồi thở dài: “Tôi sống với mẹ già, và có lẽ đến hết đời này cũng chỉ có 2 người đàn bà chúng tôi. Tôi không muốn lấy chồng và chắc cũng chẳng ai muốn lấy tôi. Nhưng tôi muốn được làm mẹ, khát khao được làm mẹ, tôi muốn được nghe tiếng trẻ con khóc trong căn nhà lạnh lẽo này…”. Nói đến đó mẹ tôi nghẹn lại. Bố tôi chỉ biết nắm chặt bàn tay gầy gò của mẹ mà lặng im chẳng nói thành lời.

Trấn tĩnh một lúc, mẹ nói tiếp một cách ngập ngừng: “Anh có thể… giúp tôi… có được một đứa con không? Chỉ một đứa thôi rồi anh sẽ ra đi, anh không phải lo lắng gì cho tôi cả, tôi biết anh luôn lo lắng cho tôi mà. Tôi có một đứa con là tôi hạnh phúc lắm rồi. Anh hoàn toàn có thể yên tâm về tôi”.

Bố tôi sững sờ trước lời đề nghị của mẹ nhưng rồi lòng thương cảm tràn ngập, ông đã ôm lấy mẹ… Đó là lần duy nhất bố phản bội người vợ của mình. Bố ở lại với mẹ tôi vài ngày, sửa sang nhà cửa, chăm sóc vườn tược rồi chia tay mẹ để ra Bắc với người vợ trẻ đang mỏi mắt trông chờ.

Chiến trường đầy khói lửa là nơi ghi dấu cuộc gặp gỡ tình cờ

đầy duyên nợ của bố mẹ tôi (Ảnh minh họa)

Thời gian trôi qua, không lúc nào bố tôi không nghĩ đến mẹ tôi. Ông không biết mẹ tôi có đạt được mong ước không? Mẹ tôi sinh nở ra sao và bà sẽ xoay sở thế nào khi có con? Không thể đừng được, ông quyết định vào Nam thăm mẹ tôi một lần nữa và không quên mang theo số tiền dành dụm được bấy lâu.

Bố tôi đâu ngờ rằng, mẹ tôi đã ra đi khi tôi mới chào đời, khát khao được làm mẹ mà không một ngày được làm mẹ. Bà ngoại tôi kể những ngày sắp sinh nở, mẹ tôi đi lại rất khó khăn, thế rồi cú ngã định mệnh đã cướp đi sinh mạng của mẹ tôi. Còn tôi may mắn được cứu sống trong phòng cấp cứu. Người ta đã mổ để cứu con, không thể cứu được mẹ. Tôi sống với bà ngoại và lớn lên nhờ bầu sữa của người hàng xóm tốt bụng.

Sau vài ngày ở lại, thăm nom phần mộ của mẹ tôi và giúp bà ngoại làm một vài việc cần thiết, bố tôi đã xin phép bà ngoại đưa tôi đi theo để chăm sóc dạy dỗ. Bà tôi rất buồn, mới đầu không chịu xa tôi nhưng sau đó, vì nghĩ đến tương lai của tôi bà đã đồng ý.

Không biết bố tôi nói gì mà mẹ nuôi rất thương tôi. Rồi hai em tôi lần lượt ra đời. Tôi giúp mẹ nuôi làm được nhiều việc vặt. Càng lớn lên, tôi càng có ý thức phải quan tâm chăm sóc mọi thành viên trong nhà để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của những người mà tôi nghĩ là không sinh ra mình. Bù lại, tôi được bố nuôi và các em yêu quý như ruột thịt.

Rồi bố tôi lâm bệnh nặng, một căn bệnh hiểm nghèo. Khi biết mình không còn sống được bao lâu nữa, ông đã gọi cả nhà đến và kể hết mọi chuyện mà ông giấu kín trong lòng mấy chục năm qua. Nghe chuyện bố kể, ai cũng xúc động. Qua ánh cử chỉ của mọi người, tôi thấy tình thương yêu bao trùm quanh tôi.

Sau đó vài ngày bố tôi qua đời, nghe nói có thể xác định huyết thống cha con qua anh chị em nên tôi quyết định đi làm xét nghiệm ADN. Khi biết tôi có ý định này, mẹ nuôi tôi đã khuyên tôi: “Không nhẽ con chưa tin câu chuyện bố con kể hay sao? Cả nhà đã coi con như ruột thịt, con đừng đi xét nghiệm làm gì nữa”.

Tôi cảm động trước tấm lòng của mẹ nhưng tôi vẫn xin phép được lấy mẫu máu của các em đi xét nghiệm. Tôi muốn nhờ khoa học thay tôi, thay bố tôi nói cho tất cả mọi người mà tôi quen biết rằng, tôi là con đẻ của ông.