Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam

ANTĐ - Hỏi: Thời gian qua hành vi đưa chất thải nguy hại vào lãnh thổ Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vậy chủ thể hành vi này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trả lời: Điều 185 BLHS quy định:

1. Người nào lợi dụng việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế liệu hoặc hóa chất, chế phẩm sinh học hoặc bằng thủ đoạn khác đưa vào lãnh thổ Việt Nam chất thải nguy hại hoặc chất thải khác với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ hai trăm triệu đồng đến một tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Chất thải nguy hại có số lượng lớn hoặc chất thải khác có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Để thực hiện hành vi đưa chất thải trái phép vào Việt Nam, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã câu kết và lợi dụng những kẽ hở của pháp luật về tạm nhập tái xuất, nhập khẩu phế liệu, tiêu chuẩn về yếu tố làm sạch trong hàng hóa nhập khẩu, quy trình kiểm tra xác suất khi thông quan... Thủ đoạn của các doanh nghiệp này thường là gian dối trong khai báo về tên gọi của hàng hóa để hợp pháp việc đưa hàng vào. Khi có nguy cơ bị bại lộ, doanh nghiệp nhận hàng thường chủ động ra văn bản từ chối nhận hàng, tìm lý do trì hoãn hoặc đơn phương bỏ mặc.

Trong khi đó, hành lang pháp lý của Việt Nam còn nhiều điểm chưa rõ và bất cập. Một loạt khái niệm như thế nào là chất thải nguy hại có số lượng lớn, rất lớn và đặc biệt lớn, thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thế nào được coi là phế liệu sạch, không chứa tạp chất… chưa được quy định rõ nên rất khó xử lý. Do vậy, giải pháp cấp bách cần được đặt ra là việc chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện về kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại; nghiên cứu phương pháp tái chế, hoặc tiêu hủy những sản phẩm tồn đọng sau xử lý…