Xả chất thải nguy hại ra môi trường có thể bị xử lý hình sự

ANTĐ - Hỏi: Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một cơ sở nhuộm, tẩy vải tư nhân gần nơi tôi sinh sống xả thẳng chất thải nguy hại ra môi trường. Mặc dù cơ sở này hoạt động đã lâu nhưng mới đây hành vi vi phạm này mới bị lật tẩy. Là một trong những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp do ô nhiễm môi trường từ cơ sở này gây ra, tôi rất muốn muốn biết hành vi này sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Vũ Văn Hoàng (Ứng Hoà - Hà Nội)

Trả lời: Điều 49, Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường như sau: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết; Xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại mục 2 Chương XIV của Luật này hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, còn bị xử lý bằng một trong các biện pháp sau đây: Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường;  Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường; Cấm hoạt động.

Bên cạnh đó, Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường 2005 về khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường quy định: Việc điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm bao gồm phạm vi, giới hạn khu vực môi trường bị ô nhiễm; Mức độ ô nhiễm; Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan; Các công việc cần thực hiện để khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; Các thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu bên gây ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường. Kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường phải được công khai để nhân dân biết, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Nếu khu vực bị ô nhiễm nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.