Nhà thơ Dương Kỳ Anh:
Tôi chọn chữ “Duyên”!
(ANTĐ) - Biết tin nhà thơ Dương Kỳ Anh chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách thứ 3 viết về hậu trường các cuộc thi hoa hậu 20 năm qua, tôi xin được gặp. Ông nhận lời, nhưng thống nhất rằng, chủ đề của cuộc trò chuyện chỉ nói về cái đẹp. Nhưng, câu chuyện xem ra đi chệch hướng, bởi nếu đã nói về cái đẹp thì đương nhiên phải nói tới hoa hậu, mà nếu đã nói tới hoa hậu thì những dẫn chứng thú vị nhất đó là từ các cuộc thi...
- PV: Hai cuốn sách về hậu trường các cuộc thi hoa hậu, một được xuất bản vào năm 1998 và một xuất bản vào năm 2006 đều là những cuốn sách bán chạy tiết lộ phần nào “thâm cung bí sử”. Còn cuốn thứ 3 này sẽ mang nội dung thế nào, thưa ông?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Cuốn sách “Hoa hậu Việt Nam những điều chưa biết” này là để tôi bày tỏ quan niệm về cái đẹp của cá nhân chứ không phải là cuốn sách mang nội dung giật gân, câu khách. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, cái đẹp luôn đi liền với cái thiện, cái thật và cái hồn nhiên và đó là thiên tính trời ban. Nếu phản lại tự nhiên thì không còn là gì đẹp nữa. Tôi nói ví dụ như thế này để thấy nhé, Ban giám khảo của các cuộc thi hoa hậu Việt Nam luôn đề cao sự hồn nhiên. Cuộc thi hoa hậu năm 2004, cả Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân đều xinh đẹp ngang ngửa nhau, trả lời ứng xử đều hay cả, nhưng tại sao BGK lại chọn Huyền, đó là bởi cách trả lời của Huyền rất hồn nhiên, còn Trịnh Chân Trân lại như khoe kiến thức và có cái gì đó sách vở. Ví dụ khác, cũng là khóc, nhưng cái khóc của Teresa Sam trong cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt dễ được mọi người cảm thông bởi cái khóc đó là cái khóc đẹp, chứ không như cái khóc của một người đẹp khác trong đêm ấy mà nhiều người cho là... diễn.
- PV: Những quan điểm mà ông đưa ra có sợ sẽ nhận được sự phản đối của dư luận?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Vâng, quan niệm về cái đẹp của mỗi người một khác, tôi chỉ nói về cái đẹp theo quan niệm của riêng tôi. Nhưng có điều, quan niệm của tôi đã được thể hiện qua nhiều năm làm Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu toàn quốc do Báo Tiền Phong tổ chức và Hoa hậu Việt Nam. Quan niệm này đưa ra cũng căn cứ vào các chỉ tiêu hình thể của các nhà nhân trắc học.
- PV: Có một thực tế rằng, khi chấm điểm cho các hoa hậu, điểm cho gương mặt bao giờ cũng được ưu ái nhất, có phải vì lý do này mà khi so tài ở các cuộc thi quốc tế, hoa hậu Việt Nam thường không đạt được những vị trí cao?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi thấy hạn chế nhất của các cuộc thi người đẹp là ngoại ngữ, rất ít cô thông thạo tiếng Anh, trong khi việc phải sử dụng thông thạo ngôn ngữ này là điều rất quan trọng. Trên sân khấu có thể có phiên dịch, chứ còn giao tiếp trong các hoạt động tập thể thì chịu. Nhưng tương lai, điểm yếu này chắc chắn sẽ được khắc phục. Điểm yếu nữa của hoa hậu Việt Nam đó là ứng xử. Chúng ta không ứng xử tự nhiên, rụt rè và tự ti. Điều này cũng không trách họ được, bởi đã có thời gian dài, chúng ta hạn chế giao tiếp với bên ngoài. Cũng có một điểm yếu nữa của các hoa hậu Việt Nam, họ thông minh nhưng khả năng biểu đạt lại rất yếu, không tự nhiên.
- PV: Ông có thấy, tiêu chí về cái đẹp tính cho tới nay đã thay đổi nhiều?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Người Việt Nam chúng ta từ trước tới nay vẫn chuộng vẻ đằm thắm đôn hậu và dịu dàng. Thế nhưng việc chọn hoa hậu lại là việc làm phải theo chuẩn mực hiện đại. Năm trước năm sau đều chọn hoa hậu có vẻ đẹp y chang nhau thì nhàm chán lắm. Tôi còn nhớ, sau khi Hoa hậu Ngọc Khánh đăng quang, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn. Hồi đó tôi đau hết cả đầu, ngay trong nội bộ Báo Tiền Phong khi đó cũng gay gắt lắm. Về đến nhà, bà xã tôi cũng cằn nhằn, hai vợ chồng tranh luận cả đêm. Trong khi đó, con gái tôi thì lại rất ủng hộ việc chọn Ngọc Khánh. Nhưng cho tới thời điểm này, ai cũng phải công nhận ban giám khảo khi đó có con mắt tinh đời. Cái đẹp góc cạnh đã được chấp nhận.
- PV: Như thế có nghĩa áp lực từ phía khán giả rất lớn, Ban giám khảo đã vượt qua áp lực này thế nào?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Năm 1990, khi MC Thanh Bạch xướng tên Hà Kiều Anh giành vương miện Hoa hậu. Cả hội trường khi đó rào lên phản đối. Họ thích Vi Thị Đông hơn. Nhưng tại sao ban giám khảo dù biết sẽ bị phản đổi, thậm chí bị... chửi vẫn chọn Hà Kiều Anh, là bởi khi đó Hà Kiều Anh mới chỉ 16 tuổi, chúng tôi chọn hoa hậu cho 1-2 năm sau, chứ còn Vi Thị Đông đã hơn 20 tuổi như bông hoa đang nở rực rỡ khoe hết sắc hương. Và qua trường hợp của Ngọc Khánh và Hà Kiều Anh thì mới thấy, sự lựa chọn của Ban giám khảo luôn đúng.
- PV: Và cuốn sách thứ 3 này sẽ như một lời thanh minh cho Ban giám khảo của các cuộc thi Hoa hậu trong 20 năm qua?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không, chả có gì mà thanh minh cả. Tôi chỉ bày tỏ rằng, khán giả chỉ nhìn ngắm thí sinh một lúc trên sân khấu còn chúng tôi, những thành viên của Ban giám khảo đã tiếp xúc với người đẹp cả tháng, ngắm đủ chiều, đủ kiểu rồi. Có những người rất xinh, nhưng không thể đăng quang, ví như năm 2008 vừa qua, có thí sinh rất đẹp, không chê vào đâu được. Nhưng khi kiểm tra nhân trắc học mới phát hiện ra, cô ấy có 9 ngón chân. Trừ khiếm khuyết trên ra, cô ấy hoàn toàn xứng đáng cho ngôi vị á hậu. Nhưng chúng tôi không thể. Cũng có cô rất xinh, nhưng lại vẹo cột sống, hoặc bị rạn hết phần da bụng - điều này chứng tỏ đã qua một lần sinh nở... Thử hỏi, những khiếm khuyết đó, chúng tôi làm sao có thể công bố được. Vì thế, mọi điều tiếng BGK phải chịu để giữ cho các thí sinh. Những chuyện này tôi cũng đã thể hiện trong cuốn sách sắp phát hành.
- PV: Bao giờ cuốn sách mới của ông sẽ phát hành?
- Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Bản thảo thì đã hoàn thành rồi, nhưng có lẽ tôi sẽ phải sửa lại chút ít cho bớt gai góc đi.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Quỳnh Vân
(Thực hiện)