Tô Hoài - Bí ẩn văn chương

(ANTĐ) - Ông là nhà văn viết về Hà Nội hay đến nỗi người đời phong cho thêm cái danh nhà Hà Nội học. Nhưng ông viết cái gì cũng hay. Sách của ông có cuốn được dịch nhiều vào bậc nhất thế giới… Vâng! Với tôi, đến bây giờ, khi mừng ông đại thọ 90 mà hình như tôi chưa cắt nghĩa hết chuyện đời ông, một cuộc đời thật dài và quá nhiều chặng đường…

Tô Hoài - Bí ẩn văn chương

(ANTĐ) - Ông là nhà văn viết về Hà Nội hay đến nỗi người đời phong cho thêm cái danh nhà Hà Nội học. Nhưng ông viết cái gì cũng hay. Sách của ông có cuốn được dịch nhiều vào bậc nhất thế giới… Vâng! Với tôi, đến bây giờ, khi mừng ông đại thọ 90 mà hình như tôi chưa cắt nghĩa hết chuyện đời ông, một cuộc đời thật dài và quá nhiều chặng đường…

Tô Hoài - bí ẩn   cuộc đời

Ông bảo thuở nhỏ tên tôi là Nguyễn Sen. Lớn lên đi viết báo làm văn lấy bút danh Tô Hoài là ghép sông Tô một con sông cổ chảy qua làng Nghĩa Đô với phủ Hoài Đức mà thành. Làng Nghĩa Đô ở gần chợ Bưởi của ông trước thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông chuyên nghề dệt và làm giấy dó. Tuổi thơ ông lớn lên trong cái làng cũ kỹ bên cạnh những con người cũ kỹ và lao khổ sát nách Hà Nội cũ. Cái tuổi thơ nhiều ám ảnh ấy đã theo ông suốt cuộc đời để từ đó ông có vốn sống để mà viết nên những cuốn sách rất thật, rất hấp dẫn cho cả trẻ con và người lớn. Nhà văn Tô Hoài đã có một tuổi trẻ lam lũ khốn khó như bao người dân làng Nghĩa Đô quê ông. Học vừa hết tiểu học người đã phải vào đời đi làm với nhiều nghề để kiếm sống: thợ dệt, dạy học tư, bán hàng thuê, kế toán hiệu buôn…

Tô Hoài kể: Tôi không được như một số nhà văn nhà thơ khác được học văn hóa cơ bản. Hầu hết cuộc đời Tô Hoài là tự học, vừa đi học vừa đi làm. Thuở thiếu niên chỉ học đến tiểu học rồi đi bán giày ba ta ở Hàng Khay. Đi bán hàng thuê, tôi chịu khó đọc, đặc biệt tự học tiếng Pháp bằng cách mang tác phẩm của những tác giả tôi thích như Mopatxang; Đôđê vừa đọc vừa dịch hàng nghìn trang, nhờ đó mà tôi có vốn tiếng Pháp tự đọc được các cuốn sách. Rồi bước vào làng báo từ một sự tình cờ.

Tháng tháng bán giày được sáu đồng. Tôi muốn vào thư viên đọc sách nhưng ngặt nỗi không có bằng Thành chung. Tôi đến báo Hà Nội Tân văn do ông Vũ Ngọc Phan làm chủ bút để xin giấy vào thư viện. Thấy tôi ít tuổi mà đã là tác giả nhiều truyện như Nước lên; Sáng giăng suông nên bảo tôi đến nhà ông đọc sách. Ông Phan quý tôi nên đã trả tiền nhuận bút cho các truyện in của tôi. Thời ấy thường nếu tác giả không được mời viết thì dù bài đăng vẫn không được trả nhuận bút. Tôi được trả mỗi truyện ngắn 5 đồng, trong khi lương tháng làm thuê cũng chỉ được 6 đồng. Thế là tôi đi viết văn… Lúc đầu tôi xác định nghề văn cũng như nghề đánh máy, nghề lao động chân tay chứ chẳng có gì cao quý đặc biệt. Chỉ phải khổ công rèn giũa cây bút và có chút năng khiếu… Năng khiếu nhiều khi chỉ là một phần thôi, còn vấn đề tự rèn luyện là trên hết…

Lúc này nhà Tân Dân muốn xuất bản một số sách cho thiếu nhi. Ông Vũ Ngọc Phan giới thiệu tôi cho Vũ Đình Long và ông Long “đặt hàng” tôi viết. Tôi bèn viết truyện Con dế mèn chỉ độ ba mươi trang đem đưa nhà xuất bản và không ngờ được in ngay. Ông Vũ Đình Long trả tôi những hai mươi đồng và cổ vũ tôi: Sách ông bán chạy lắm, ông viết nữa đi! Thế là tôi mừng quá và lao vào viết  tiếp Dế mèn phiêu lưu ký dài gấp đôi, dĩ nhiên số tiền ông Long trả cũng gấp đôi. Từ năm 1940 đến 1945 tôi viết khoảng hai mươi cuốn đưa in. Có tiền nhuận bút, tôi đi khắp nơi sang cả Lào, Campuchia… cóp nhặt vốn sống và viết… Sau cách mạng tôi làm phóng viên Báo Cứu quốc. Trong lúc đó tôi được làm tờ Cứu quốc Việt Bắc viết tiếng Tày in ở chợ Rã cạnh núi Phia. Báo phát hành chủ yếu ở Cao - Bắc - Lạng, do tôi làm chủ nhiệm, anh Nam Cao làm thư ký tòa soạn...

Điều bí ẩn ở chỗ là một người không học hành đỗ đạt mà vào đời văn tiếng tăm nổi như cồn. Viết đã thế, rồi ông đi làm cách mạng, lên Việt Bắc làm báo và đi Tây Bắc, Việt Bắc viết thật hay về vùng đất con người trên ấy. Hai mảng đề tài làm nên chân dung ông đó là ngoại thành Hà Nội và Tây Bắc. Viết cho thiếu nhi, viết về Hà Nội và Tây Bắc cái nào cũng hay… Viết nhiều khó ai bì kịp. Tôi khẳng định tài năng và chỉ có tài năng mới làm nên điều lớn lao ấy. Chả thế mà năm 1957, Hội Nhà văn thành lập, Tô Hoài đã là Tổng thư ký, rồi ở trong Ban chấp hành ngót ba mươi năm trước khi về làm Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội… Nhiều người chưa hiểu hết ông và cách sống của ông. Đó cũng là điều bình thường. Con người hoạt động càng nổi tiếng thì có nhiều bí ẩn, thậm chí có điều khó hiểu. Chính những điều ấy, làm ông lớn lao hơn, bất tử hơn chăng?

Và bí ẩn văn chương

Văn chương Tô Hoài không bí ẩn, nhưng tài năng và cách viết của ông cũng như bút lực của ông làm một bí ẩn chưa thể giải mã. Phần nhiều nhà văn lớn tuổi thì viết cũ, trong khi đó Tô Hoài càng viết càng hay, càng có cách nhìn, cách viết mới. Đó là một sự lạ. Làm sao mà cầm bút trong bảy chục năm mà ngòi viết ấy không cùn mằn đi mới lạ. Bao nhiêu người viết về sau nhìn lại, viết lại có khi nổi giận với quá khứ, hay chán nản việc đời hoặc già cả mà chểnh mảng viết lách. Tô Hoài từ trước đã chẳng thế, bây giờ dù đã “cửu thập” vẫn thản nhiên viết, thản nhiên trò chuyện với cuộc đời, lòng trong như nước…

Đôi khi đem những chuyện cũ, chuyện mới nói lại cùng ông, xem thái độ phản ứng của ông thế nào, vẫn một câu: “Chẳng đáng gì”. Vâng, chẳng đáng gì, âu là một cách nhìn cuộc đời bao dung hay là một cách “ngộ”. Có lẽ trải nghiệm nhiều mà nhà văn đã “ngộ” ra nhiều việc đời, lẽ đời… Trong cõi vô thường này, có lẽ chẳng có gì ghê gớm lắm, chẳng có gì đáng phải lớn tiếng, đáng phải ầm ĩ cả. Cái thản nhiên nơi ông đã làm cho ông sống thọ, mà viết chẳng khi nào cạn dòng cảm xúc.  Phải chăng cái lòng yêu cuộc sống, vốn nhiều biến động - đã tạo cho ông một tâm thế bình thường, thích nghi và vì thế không quá lý tưởng hóa cuộc đời, rồi đến lúc cuối đời ngẫm ngợi giận hờn với đời mà bỏ bút như nhiều người.

Vâng! Khi tôi đặt bút viết những dòng này thì ông vừa kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90. Một cuộc đời cầm bút như ông thật vẻ vang oanh liệt. Ông đã viết  dư 70 năm, đã có trên 60 năm tuổi Đảng, đã được tặng Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt đầu tiên năm 1991… Điều kỳ lạ và bí ẩn là cây đại thu văn chương Việt Tô Hoài vẫn còn ăm ắp cảm xúc và còn muốn viết nhiều nữa.

Vâng! Ông còn đang viết những gì ấp ủ, dù số tác phẩm với hơn 150 đầu sách, trong đó nhiều cuốn tái bản đạt hàng kỷ lục và số người đọc trong và ngoài nước đã đủ làm ông nổi tiếng. Ngồi bên ông, ngắm ông trong cái ghế bành bằng mây kia, tôi bật cười nhớ chuyện nhà văn Hà Minh Đức ví Tô Hoài: “Anh như một con mèo đẹp dáng dấp nhẹ nhàng ngồi thu mình sưởi nắng và khi cần thì lao nhanh về phía trước hòa nhập vào giữa dòng đời…”.                         

Tân Linh